Theo thông tin từ Reuters, Apple đã tham gia vào bộ quy tắc về AI, cùng với các tên tuổi lớn như OpenAI, Amazon, Alphabet (Google), Meta và Microsoft. Chính phủ Mỹ cho rằng việc này là cần thiết để ngăn chặn các xu hướng phân biệt đối xử, lỗ hổng bảo mật và rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn do AI gây ra.
Các công ty phát triển AI sẽ phải chia sẻ kết quả thử nghiệm tính an toàn trong suốt quá trình nghiên cứu, đồng thời báo cáo ngay mọi lỗ hổng nếu có. Chính phủ Mỹ sẽ hợp tác thiết lập các tiêu chuẩn để đảm bảo hệ thống AI hoạt động một cách an toàn. Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra hướng dẫn cho các công ty về xác thực nội dung và dán nhãn cho nội dung do AI tạo ra.
Cam kết này của Apple được công bố sau khi hãng ra mắt bộ tính năng AI mang tên Apple Intelligence và tích hợp ChatGPT vào trợ lý giọng nói Siri vào tháng 6 vừa qua. Craig Federighi, Phó Chủ tịch Apple, đã chia sẻ về Apple Intelligence tại WWDC 2024, cho biết bộ tính năng này có khả năng đọc hiểu và tạo nội dung văn bản, hình ảnh và âm thanh, với điểm đặc biệt là tích hợp sâu vào hệ thống và hỗ trợ trực tiếp trên thiết bị, giúp AI hiểu ngữ cảnh người dùng tốt hơn.
Hiện tại, bộ tính năng này mới chỉ được giới hạn cho một số nhà báo và blogger công nghệ nổi tiếng trải nghiệm trực tiếp. Apple dự kiến sẽ cho người dùng phổ thông thử nghiệm trên bản Public Beta vào cuối năm nay. Các thiết bị hỗ trợ bao gồm iPhone 15 Pro, iPhone 15 Pro Max, iPad và các máy Mac trang bị chip M1 trở lên.
Trước đó, vào ngày 21/3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết về bảo vệ nhân quyền, dữ liệu cá nhân và giám sát rủi ro do trí tuệ nhân tạo gây ra. Nghị quyết này, do Mỹ bảo trợ và được sự đồng thuận của hơn 120 quốc gia, nhằm thúc đẩy hệ thống AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy, mang lại lợi ích và sự phát triển bền vững cho cộng đồng. Đây là một sáng kiến quan trọng trong bối cảnh nhiều quốc gia lo ngại AI có thể phá vỡ các quy trình dân chủ, tăng nguy cơ gian lận và mất việc làm, cùng nhiều hệ lụy khác.