Cụ thể, SMIC sử dụng công nghệ từ công ty trụ sở California, Applied Materials và Lam Research Corp để phát triển chip 7 nanomet (nm) cho Huawei. Hãng bán dẫn Trung Quốc đã sở hữu bộ công cụ từ Mỹ trước khi Washington áp đặt các lệnh cấm vận xuất khẩu vào tháng 10/2022.
Tháng 8/2023, Huawei và SMIC hợp tác và có thể tự sản xuất Kirin 9000s - chip 5G trên tiến trình 7nm - để trang bị cho dòng điện thoại thông minh Mate 60. Động thái này nhận được sự quan tâm lớn, được ca ngợi như một bước tiến lớn về bán dẫn tại Trung Quốc.
Huawei bị đưa vào danh sách hạn chế thương mại vào năm 2019 dưới thời Tổng thống Trump với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận. Trong khi đó, SMIC bị cho là có liên hệ với tổ hợp công nghệ quốc phòng của Trung Quốc. Cả hai công ty này đều bác bỏ những cáo buộc.
Tháng trước, chính phủ Mỹ đã đưa SMIC vào tầm ngắm và áp đặt bổ sung lệnh cấm xuất khẩu, sau khi có thông tin công ty này đã sản xuất con chip chạy trên mẫu smartphone Mate 60 Pro.
Gần đây, chính quyền Tổng thống Biden đang tích cực ngăn chặn các lô hàng chip AI tiên tiến xuất sang Trung Quốc - một phần trong nỗ lực không để Bắc Kinh tận dụng công nghệ tiên tiến của nước này để hiện đại hoá quân đội.
Trong khi đó, dù bị giảm doanh thu, nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC cho thấy họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi lệnh cấm của Mỹ.
Đại diện SMIC, Huawei, Lam Research chưa đưa ra bình luận. Applied Materials, Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ - cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu - từ chối bình luận.
Applied Materials được thành lập năm 1967, chuyên cung cấp thiết bị, dịch vụ và phần mềm để sản xuất chip bán dẫn, màn hình phẳng cho thiết bị di động và các sản phẩm liên quan đến năng lượng mặt trời. Lam Research thành lập năm 1980, là nhà cung cấp thiết bị chế tạo wafer và các dịch vụ liên quan đến bán dẫn.
Cả Lam Research và Applied Materials được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong mảng bán dẫn của Mỹ nhờ nắm nhiều công nghệ và sản phẩm phục vụ lĩnh vực này. Năm ngoái, Applied Materials bị Mỹ điều tra hình sự do "lách luật" để bán công cụ sản xuất chip cho SMIC mà không xin giấy phép.
Không chỉ Mỹ, nhiều đồng minh của Mỹ bao gồm Hà Lan và Nhật Bản cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu một số máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc từ đầu năm 2023. Thỏa thuận giữa 3 nước này đã mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số loại chip mà Mỹ đã thông qua vào tháng 10/2022 đối với các công ty có trụ sở tại hai quốc gia đồng minh này, bao gồm công ty ASML Holding NV, Nikon Corp và Tokyo Electron Ltd.
Ngay sau thỏa thuận kể trên được thông qua, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích các hành động này.
Bất chấp những hạn chế của Mỹ và các quốc gia kể trên, Huawei trong năm ngoái cũng đã thành công giới thiệu điện thoại 5G Mate 60 Pro, sử dụng công nghệ chip tân tiến nhất như một lời khẳng định vững vàng về việc làm chủ công nghệ của Trung Quốc.