Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh nói trên chỉ đạo các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thu phí tự động không dừng hoàn toàn tại các tuyến cao tốc do địa phương là cơ quan có thẩm quyền từ ngày 1/8/2022.
Lãnh đạo các tỉnh cũng cần chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, lực lượng Cảnh sát giao thông địa phương, Ban An toàn giao thông và các cơ quan chức năng có liên quan chủ trì, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư dự án và các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng phương án phân luồng, tổ chức giao thông bảo đảm trật tự, an toàn, kết nối liên thông trong quá trình triển khai thực hiện.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung, thời gian triển khai thực hiện thu phí hoàn toàn tự động trên các tuyến cao tốc, vận động chủ phương tiện giao thông trên địa bàn ủng hộ chủ trương triển khai thu phí không dừng và tự nguyện dán thẻ tham gia dịch vụ, hạn chế thanh toán chi phí dịch vụ sử dụng đường bộ bằng hình thức thủ công, một dừng.
Bộ Giao thông vận tải giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam là đầu mối phối hợp với UBND các tỉnh, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí và các nhà đầu tư BOT để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, đồng bộ, kết nối liên thông.
Hiện nay ngoài các tuyến cao tốc do Bộ Giao thông vận tải quản lý, hiện có 4 tuyến cao tốc do các địa phương là cơ quan có thẩm quyền thuộc diện phải gấp rút triển khai lắp đặt.
Bao gồm các tuyến: cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do UBND tỉnh Lạng Sơn quản lý, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn do UBND tỉnh Quảng Ninh quản lý, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do UBND tỉnh Tiền Giang quản lý và cao tốc Liên Khương - Prenn do UBND tỉnh Lâm Đồng quản lý.
Để thúc tiến độ triển khai hệ thống thu phí không dừng, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải vừa kiểm tra hiện trường dự án và yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trên cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây (cao tốc Long Thành) và dự án BOT 319 kết nối cao tốc này, đảm bảo các cao tốc do VEC quản lỷ hoàn thành lắp đặt các làn thu phí tự động không dừng trước ngày 31/7 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Đối với cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây, VEC cho biết, trung bình có khoảng 50.000 lượt xe qua cao tốc. Mỗi ngày đơn vị thực hiện dán thẻ VETC cho khoảng 5.000 lượt ô tô.
"Hiện tiến độ lắp bổ sung các làn thu phí tự động không dừng cơ bản hoàn thành. Đơn vị lắp đặt đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để hoàn thành xong trước ngày 31/7", đại diện đơn vị thi công cam kết.
Như vậy, từ ngày 1/8, 4 tuyến cao tốc (Cầu Giẽ-Ninh Bình, TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây, Nội Bài-Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi) chính thức được lắp đặt làn ETC có công nghệ thu phí là RFID - sử dụng thẻ eTag và ePass đồng bộ với các tuyến đường khác trên cả nước.