ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Alisa H - Thứ Năm, 17/01/2019 3:55 CH
Vietnet24h - Với tiêu đề: "Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững", Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam tổ chức và chỉ đạo diễn ra trong 2 ngày 16 và 17 tháng 1 năm 2019 tại Hà Nội, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp.
Trí tuệ nhân tạo đã và đang tác động lên các ngành kinh tế trên toàn thế giới, mang lại cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam: Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian xử lí, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các nhà máy thông minh với các công nghệ đột phá, làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả khác biệt vượt trội. Nguồn lao động giá rẻ có thể sẽ mất dần lợi thế trong công nghiệp do tự động hóa, robot hóa; đòi hỏi cần phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh mới. Tài nguyên thiên nhiên từng bước được thay thế bởi vật liệu tổng hợp mới.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng và là tất yếu trong quá trình chuyển đổi nền sản xuất với việc ứng dụng những công nghệ số hóa nêu trên vào hoạt động sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tự ra quyết định trong các điều kiện sản xuất phức tạp nhằm tăng chất lượng và năng suất, đồng thời tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp... Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Nhà nước Việt Nam, các doanh nghiệp và mọi công dân cần phải có những đổi mới mạnh mẽ. Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng “Chính sách Công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế năm 2019, sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tổ chức với tiêu đề “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”, phiên hội thảo chuyên đề “Định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam” với mục đích tập hợp, chắt lọc những tinh hoa trí tuệ, những kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp để bổ sung, hoàn thiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hội thảo đã tập trung đánh giá xu hướng phát triển và tác động của trí tuệ nhân tạo lên nền kinh tế thế giới; tác động đến các nhóm ngành kinh tế; đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng cho việc đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; những vấn đề về thể chế, chính sách cần được tháo gỡ để thực hiện chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh mới; đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo vào quản lý và sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Hội thảo cũng đã nhận được sự chia sẻ thiết thực từ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo về việc xây dựng nền tảng chia sẻ công nghệ; sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn và kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng cách đây 50 năm và đang được các nhà khoa học cải tiến, lập trình theo hướng mở để tăng khả năng sáng tạo, người máy đã bắt đầu được dạy khả năng tự học hỏi (học máy). Trí tuệ nhân tạo được nhận định sẽ hiện diện khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong giao thông vận tải, những chiếc xe tải không người lái đã được vận hành tại các mỏ khoáng sản tại Úc; hãng Uber cũng đã thử nghiệm xe tải không người lái giao hàng xuyên tiểu bang tại Mỹ. Trong y học, với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, bệnh nhân có thể dùng các phần mềm trên điện thoại, chụp hình và điền vào các thông tin gửi lên một hệ thống và gần như tức thì, kết quả chẩn đoán bệnh và cách điều trị được gửi về. Trong giáo dục, các phần mềm dạy học đã trở nên phổ biến… Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo còn được sử dụng để hỗ trợ cho người dân giải đáp những thắc mắc về pháp lý; được ứng dụng để quản lý các chính sách, an sinh xã hội… Trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực từ giao thông, y tế, an ninh, quốc phòng, ngân hàng cho tới thời trang, ẩm thực, âm nhạc… Xu thế cho thấy, nhiều nghề nghiệp sẽ bị thay thế dần bởi công nghệ mới. Viễn cảnh thất nghiệp hàng loạt là không thể tránh khỏi, tỷ lệ phân chia giàu nghèo giữa các nước sẽ rõ rệt, tội phạm công nghệ gia tăng… Tuy nhiên, phát triển trí tuệ nhân tạo sẽ là cơ hội cho nước ta đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới. vượt qua bẫy thu nhập trung bình, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại phần Tọa đàm, các diễn giả là Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và các chuyên gia cùng đối thoại, trả lời những câu hỏi của các đại biểu tham dự Hội nghị về những vấn đề trong quá trình triển khai áp dụng trí tuệ nhân tạo và sản xuất kinh doanh; giải quyết mối quan hệ giữa người lao động và người máy, robot trong việc thực hiện các quy trình sản xuất; về việc tạo môi trường đầu tư và phát triển để tối đa hóa lợi ích đem lại từ trí tuệ nhân tạo; góp phần định vị Việt Nam trên bản đồ AI toàn cầu.
Hội thảo chuyên đề “Định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam” không chỉ nhằm góp phần xây dựng các Nghị quyết của Bộ Chính trị; hoạch định đường lối, chính sách để thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, thực hiện thành công Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về Định hướng Chính sách công nghiệp quốc gia. Hội thảo đã thực sự là diễn đàn hữu ích giúp các cơ quan tham mưu của Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận về định hướng, các giải pháp, ứng dụng hệ thống sản xuất thông minh, những công nghệ số hóa nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tự ra quyết định trong các điều kiện sản xuất phức tạp nhằm tăng chất lượng và năng suất, đồng thời tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp...
Robot Sophia sẽ đến Việt Nam vào ngày 13/7
Vietnet24h - Ngày 13/7, Sophia - robot công dân đầu tiên trên thế giới sẽ tới Việt Nam để tham gia trao đổi những vấn đề về cuộc Cách mạng 4.0 tại Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0.