Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 720 đồng/lít, lên 24.190 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 870 đồng/lít, lên 25.740 đồng/lít. Như vậy, mặt hàng xăng đã có lần tăng trở lại sau phiên giữ nguyên giá vào ngày 11/9. Trong 8 phiên điều chỉnh gần nhất, giá xăng đã tăng tới 7 lần.
Tương tự, giá dầu diesel tăng 540 đồng/lít lên 23.590 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 630 đồng/lít lên 23.820 đồng/lít; dầu mazut tăng 140 đồng/kg lên 17.840 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng dầu. Cơ quan quản lý chi sử dụng quỹ bình ổn đối với 2 mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít.
Bộ Công Thương cho hay thị trường xăng dầu thế giới trong kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: lo ngại về nguồn cung xăng dầu thắt chặt sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ tiếp tục thắt chặt thị trường trong mùa đông, triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc không như mong đợi do tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp, tình hình lạm phát của nền kinh tế thế giới…
Các yếu tố trên khiến giá xăng dầu từ tại kỳ điều chỉnh này biến động mạnh, xu thế chung là tăng. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/9 và kỳ điều hành ngày 21/9 là 107,950 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 (tăng 4,802 USD/thùng so với kỳ trước); 114,028 USD/thùng xăng RON95 (tăng 5,080 USD/thùng); 124,570 USD/thùng dầu hỏa (tăng 3,717 USD/thùng); 124,059 USD/thùng dầu diesel (tăng 4,109 USD/thùng); 539,814 USD/tấn dầu mazut (tăng 9,391 USD/tấn).
Mới đây, Bộ Tài chính cho biết tổng số trích quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) trong quý II (từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6) là 1.779,2 tỷ đồng. Tổng số sử dụng quỹ BOG trong quý là 5,9 tỷ đồng.
Theo báo cáo chi tiết việc trích chi, sử dụng quỹ của 34 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu trong quý II, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn giá cuối kỳ đến ngày 30/6 cao nhất với hơn 3.198 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số dư quỹ.
Đứng thứ hai là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 612,3 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức với hơn 468,3 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp với 454 tỷ đồng, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP với 397 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV dầu khí TPHCM với 333 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV - Tổng công ty xăng dầu Quân đội với 307 tỷ đồng…
Báo cáo cũng ghi nhận 4 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Cụ thể, đứng đầu là Công ty Cổ phần xăng dầu Tân Nhật Minh với âm 32,2 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty cổ phần (PV Oil) âm 22,4 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An âm 12,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Petro Bình Minh âm 4,1 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 27 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.