Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Google đang tìm cách né tránh chi phí sản xuất tăng cao tại Trung Quốc, cũng như mối lo ngại về thuế quan do Trump ban hành đối với hàng hóa Trung Quốc khiến điện thoại của họ phải tăng giá.
Google đã làm việc với một đối tác để chuyển đổi một nhà máy Nokia cũ ở tỉnh Bắc Ninh để bắt đầu sản xuất những chiếc smartphone Pixel. Đây cũng là tỉnh phía Bắc mà Samsung đã phát triển chuỗi cung ứng và sản xuất smartphone của mình. Dự kiến việc chuyển đổi sẽ xong trước cuối năm nay, với việc một số nhà máy sản xuất dòng Pixel 3A đã được đặt trước. Không chỉ có điện thoại Pixel, Google còn dự định chuyển sản xuất loa thông minh Google Home ra ngoài Trung Quốc.
Mặc dù là nhà cung cấp hệ điều hành Android cho 80% smartphone trên thế giới hiện nay, Google lại chưa mạnh ở mảng phần cứng. Năm 2018, nhà sản xuất này bán được 4,7 triệu điện thoại, chiếm 0,3% thị phần toàn cầu. Sang đến 2019, kết quả khả quan hơn khi chỉ trong nửa năm họ đã bán được 4,1 triệu máy, phần lớn là điện thoại Pixel 3A có giá 399 USD. Google dự kiến sẽ xuất xưởng khoảng 8-10 triệu điện thoại trong năm nay, nâng doanh số bán hàng lên gấp đôi năm ngoái. Việc chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á sẽ là bàn đạp cho kế hoạch phát triển mảng phần cứng này.
Giới chuyên môn đánh giá động thái của Google có thể tạo nên hiệu ứng domino khiến một loạt các công ty lớn khác cân nhắc việc rời nhà máy, chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Nằm trong số những cái tên có tiềm năng nhất trong hoạt động này bao gồm Apple, khi hãng đã kêu gọi các nhà cung cấp đánh giá việc chuyển khoảng 15 – 30% hoạt động sản xuất iPhone khỏi Trung Quốc cũng như sản xuất thử nghiệm tai nghe AirPods tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, thương hiệu Sharp cách đây không lâu đã thông báo kế hoạch chuyển sang Việt Nam nhằm tránh thuế quan gia tăng. HP, Dell cũng tính đến kế hoạch chuyển 30% hoạt động sản xuất laptop sang khu vực Đông Nam Á.