Trợ lý ảo Google Assistant đã từng sử dụng một số công nghệ trí tuệ nhân tạo khác nhau để mang lại trải nghiệm tiện lợi cho người dùng. Điểm dễ nhận biết nhất là phần giọng nói có vẻ tự nhiên của nó được tạo ra nhờ WaveNet của DeepMind và khả năng nhận dạng lệnh của bạn bắt nguồn từ nhiều năm đào tạo các mô hình học máy. Nhưng nó vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của người dùng về AI và nó có vẻ mờ nhạt so với các AI có tính sáng tạo như ChatGPT. Tuy nhiên, Điều đó sẽ sớm thay đổi.
Google cho biết đang kết hợp khả năng suy luận và sáng tạo của Bard với sự trợ giúp được cá nhân hóa của ứng dụng Trợ lý ảo. Nó bao gồm tiện ích mở rộng giúp Bard có thể truy cập Gmail, Google Drive và Docs để đưa ra trả lời cho các câu hỏi.
Google cho ví dụ khi Trợ lý với Bard được hỏi về việc cập nhật bất kỳ email quan trọng nào mà người dùng đã bỏ lỡ trong tuần này. Phần trả lời từ mỗi tin nhắn đều có một dấu đầu dòng và liên kết tới tin nhắn gốc. Người dùng còn có thể lấy địa chỉ của một sự kiện và xem nó trên Google Maps.
Mục tiêu của Google là tận dụng khả năng suy luận thông minh, hiệu suất cao của Bard và kết hợp chúng với các tính năng trợ giúp được cá nhân hóa hiệu quả của Assistant. Công ty cho biết người dùng sẽ có thể tương tác với công cụ này bằng văn bản, giọng nói hoặc hình ảnh tùy thích, và sẽ nhận được kết quả, hành động hỗ trợ tương ứng ngay lập tức.
Tại sự kiện Made By Google ở Thành phố New York vào rạng sáng ngày 5/10, Google đã giới thiệu Trợ lý ảo Bard (Assistant with Bard), là sự kết hợp giữa khả năng AI tổng quát của Google Bard với khả năng đàm thoại cùng sự tích hợp chặt chẽ với các thiết bị di động của Trợ lý ảo Google Assistant .
Trợ lý ảo Bard khuếch đại khả năng của Google Assistant bằng cách tích hợp nó với sức mạnh tiên tiến của AI tổng hợp, một công nghệ có thể tạo ra nội dung mới, do đó chủ động hỗ trợ người dùng theo những cách mới. Sissie Hsiao, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Google Assistant và Bard, đã trình bày chi tiết về sức mạnh của nó trong bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh vào các phương thức liên lạc đa kênh và hỗ trợ thiết bị theo thời gian thực.
Người dùng Assistant with Bard có thể mong đợi có được trải nghiệm Bard giống như trên máy tính để bàn, cùng với việc tích hợp các tiện ích phổ biến như Gmail và Maps. Đây là cách hiệu quả để nâng cấp Assistant bằng mô hình ngôn ngữ lớn mới mà Google đã sử dụng để hỗ trợ Bard.
Như đã nói, điều thú vị là Assistant with Bard không còn đặt giọng nói làm chế độ tương tác chính nữa. Thay vào đó, người dùng sẽ thấy ba biểu tượng trên màn hình gồm micro, bàn phím và máy ảnh, biểu thị ba cách tương tác khác nhau.
Hiện tại, Google đang coi dự án kết hợp Assistant with Bard là một 'thử nghiệm ban đầu' nhằm đánh giá tính hiệu quả cũng như nhận xét từ cộng đồng người dùng, trước khi triển khai đại trà trong vài tháng tới.
Chưa có quá nhiều thông tin chi tiết được đưa ra về cách người dùng có thể chọn tham gia đăng ký dùng thử, nhưng Google cho biết sẽ sớm chia sẻ lộ trình triển khai trong thời gian tới. Việc sáp nhập Assistant và Bard là “một bước đi tự nhiên” và là điều mà nhiều người đã mong đợi kể từ khi Google ra mắt Bard hồi đầu năm nay. Google hứa hẹn sẽ triển khai rộng rãi để thử nghiệm và nhận phản hồi, phiên bản chính thức dự kiến sẽ công bố trong vài tháng tới trên cả hai nền tảng Android và iOS.