Sáng ngày 22/2, tại Hà Nội, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Samsung Việt Nam tổ chức lễ ký kết "Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Nhà máy thông minh giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam”.
Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo Cục Công nghiệp và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công Thương.
Về phía Samsung Việt Nam, có Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, Ông Choi Kyoung Soo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trung tâm mua hàng của Tổ hợp Samsung Việt Nam, Ông Kim Hyun, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Đối ngoại của Tổ hợp Samsung Việt Nam cũng nhiều quan chức lãnh đạo Tổ hợp Samsung Việt Nam tham dự.
Buổi lễ ký kết cũng được chứng kiến bởi đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam cùng các doanh nghiệp tham gia Dự án.
Đại dịch Covid-19 vừa qua đã thúc đẩy nhanh một số xu hướng như tự động hóa, rô bốt hóa và chuyển đổi số nhằm hướng đến tương lai của chuỗi cung ứng là số hóa và tự vận hành. Xu hướng này hứa hẹn những lợi ích vô cùng lớn như duy trì và ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, tối ưu hoá nguồn lực…, nhưng cũng là thách thức không nhỏ bởi sự thiếu thông tin và hiểu biết đúng đắn về chuyển đổi số trong sản xuất, cũng như thiếu nguồn lực để thực hiện.
Việc đơn thuần áp dụng các công nghệ số trong nhà máy không đồng nghĩa với việc sẽ hình thành nên chuỗi cung ứng số và tự vận hành, nó đòi hỏi có sự kết nối xuyên suốt mọi hoạt động diễn ra bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, từ việc lập kế hoạch cho đến kế hoạch thu mua, hoạt động sản xuất và logistics.
Do vậy, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Bộ Công Thương đặt ra trong thời gian tới là hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam hiểu đúng, làm đúng, triển khai tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng bền vững thông qua các biện pháp chuyển đổi số.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh tại Việt Nam với mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng Nhà máy thông minh trong 02 năm (2022 – 2023) nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp.
Tham gia chương trình, các Tư vấn viên sẽ được đào tạo trong 12 tuần (bao gồm 03 tuần học lý thuyết và 09 tuần học thực hành) nhằm nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng thiết lập nhà máy thông minh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Tôi cho rằng dự án hợp tác trên là một chương trình đào tạo bài bản, thiết thực và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng tầm nền công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi kỳ vọng các học viên và doanh nghiệp tham gia Dự án sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích cũng như những kỹ năng cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu”.
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết: “Tại dự án lần này, các chuyên gia của Samsung Hàn Quốc trong lĩnh vực nhà máy thông minh sẽ hướng dẫn trực tiếp tại nhà máy của các doanh nghiệp tham gia, nên tôi hy vọng rằng sự hỗ trợ này sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực lên một tầm cao mới. Chúng tôi kính đề nghị chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm và có những hỗ trợ về mặt chính sách để các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh sau khi được đào tạo sẽ có cơ hội đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Đồng thời, tôi mong rằng đại diện của các doanh nghiệp tham gia dự án lần này sẽ tích cực phát huy tinh thần lãnh đạo và trách nhiệm cao, nỗ lực tối đa thực hiện dự án để đạt được kết quả cao nhất”.
Là một trong số các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình tư vấn phát triển Nhà máy thông minh, đại diện Công ty CP Thiết bị Bưu điện (POSTEF) thuộc tập đoàn Bưu Chính – Viễn Thông Việt Nam VNPT cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn tham gia vào Dự án hợp tác giữa Bộ Công thương và Samsung Việt Nam để triển khai chương trình đào tạo và tư vấn xây dựng Nhà máy thông minh. Việc được lựa chọn tham gia vào dự án lần này sẽ giúp chúng tôi nâng cao trình độ quản trị và công nghệ cũng như hiệu quả hoạt động và vị thế của doanh nghiệp, hình thành được liên minh công nghiệp và công nghệ số. Qua đó, doanh nghiệp có cơ hội liên kết phát triển sản xuất, tăng khả năng tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Tại sự kiện, đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Haast Việt Nam cho biết: “Đội ngũ nhân sự của Haast sẽ luôn sẵn sàng để phối hợp tốt nhất, đáp ứng các yêu cầu của dự án, tận dụng tốt cơ hội này để chuẩn hóa doanh nghiệp theo mô hình Nhà máy thông minh, đáp ứng đủ các tiêu chí và có cơ hội trở thành đối tác của các doanh nghiệp hàng đầu như Samsung Việt Nam trong tương lai gần”.
Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh là chương trình mới nhất nằm trong chuỗi các hoạt động tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam và đào tạo chuyên gia Việt Nam nhằm nhân rộng hiệu quả, củng cố sức mạnh tổng hợp và tiếp tục tăng cường các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công thương phối hợp với Samsung triển khai.
Từ năm 2015, Bộ Công thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn 2018-2021, Bộ Công thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực khuôn mẫu trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công thương và Samsung tiếp tục triển khai dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020 – 2023.
Thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như các mục tiêu tại Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong thời gian vừa qua Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các chương trình hợp tác với các FDI lớn tại Việt Nam, điển hình là Samsung Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Các dự án hợp tác đều đã diễn ra thuận lợi và đạt kết quả tốt đẹp, góp phần tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện chất lương sản phẩm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như các mục tiêu tại Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong thời gian vừa qua Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các chương trình hợp tác với các FDI lớn tại Việt Nam, điển hình là Samsung Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Các dự án hợp tác đều đã diễn ra thuận lợi và đạt kết quả tốt đẹp, góp phần tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện chất lương sản phẩm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) là một trong những hiệp hội có đông doanh nghiệp là nhà cung cấp của Samsung Việt Nam, cũng đồng thời là hiệp hội có số lượng doanh nghiệp đông đảo tham gia dự án Smart Factory lần này. Thực hiện chương trình hợp tác giữa Hiệp Hội với Samsung Việt Nam, VEIA đã nhiều năm liên tục giới thiệu thành công các doanh nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất điện tử để tham gia các chương trình tư vấn cải tiến của Samsung, qua đó nâng cao năng lực doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp Việt vững vàng tham gia chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung mà còn vươn ra toàn cầu, tăng doanh số xuất khẩu. |