Huawei đang phục hồi sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu từ năm 2019, đã làm tê liệt một số ngành nghề kinh doanh của hãng bằng cách hạn chế quyền truy cập vào các công nghệ quan trọng toàn cầu như chip tiên tiến.
Trong thông điệp năm mới gửi tới các nhân viên, chủ tịch luân phiên của Huawei Technologies - Ken Hu cho biết, doanh thu của hãng này ước tính vượt 700 tỷ nhân dân tệ (98,5 tỷ USD) năm nay. Con số này tăng 9% so với năm ngoái, dù vẫn kém mức năm 2019 là 123 tỷ USD.
Đây là bằng chứng mới nhất cho thấy Huawei đang hồi phục sau khi bị Mỹ áp nhiều lệnh trừng phạt từ năm 2019, khiến họ không được tiếp cận nhiều công nghệ quan trọng của thế giới, như chip tiên tiến. Điều này đã tác động mạnh đến một số mảng kinh doanh của Huawei.
"Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, chúng ta đã vượt qua cơn bão. Và giờ đây, chúng ta đang về lại guồng quay", Ken Hu cho biết trong thông điệp. Ông cảm ơn các đối tác trong chuỗi cung ứng của Huawei và các nhân viên vì "đã cùng nhau vượt qua khó khăn và không bao giờ bỏ cuộc".
Năm ngoái, lợi nhuận ròng của Huawei chỉ đạt 35,6 tỷ nhân dân tệ, giảm 68,7% so với năm 2021, do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt.
Chủ tịch Huawei cho biết năm nay, mảng thiết bị của họ, trong đó có smartphone, đã ghi nhận kết quả "ngoài kỳ vọng". Hồi tháng 8, hãng này bất ngờ ra mắt các smartphone dòng Mate60, sử dụng chip tự phát triển. Việc này đánh dấu sự quay lại của Huawei trong phân khúc smartphone cao cấp sau nhiều năm gặp khó.
Mate 60 Pro, thiết bị chứa chip Cortex 7nm, đã chiếm thị phần từ tay iPhone 15 của Apple kể từ khi ra mắt.
Tính đến cuối tháng 9, Huawei xếp thứ năm về thị phần tại Trung Quốc. Thị phần của hãng này tăng từ 10% trong quý I lên 14% quý III. Ngược lại, Apple ghi nhận thị phần giảm từ 20% xuống 15%.
Doanh số bán điện thoại thông minh của Huawei đã tăng 83% trong tháng 10/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, giúp thị trường điện thoại thông minh nói chung của Trung Quốc tăng 11% so với cùng kỳ.
Dù đạt kết quả kinh doanh khả quan hơn trong năm nay, nhưng ông Ken Hu cho biết Huawei đang đối mặt với các thách thức nghiêm trọng phía trước như bất ổn kinh tế và địa chính trị trong khi các hạn chế về công nghệ và rào cản thương mại tiếp tục tác động đến tình hình thế giới.
Chính phủ Trung Quốc và các nhà mạng viễn thông thuộc sở hữu nhà nước đã tích cực hỗ trợ cho Huawei sau lệnh cấm. "Gã khổng lồ" công nghệ nhận được nhiều hợp đồng béo bở trong mảng 5G và điện toán đám mây. Ngoài ra, các tổ chức khác cũng mua lại các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả của Huawei.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) , Huawei đang thiết lập mạng lưới các nhà máy sản xuất chip và nhận được khoản tài trợ ước tính khoảng 30 tỉ USD từ chính phủ Trung Quốc và thành phố Thâm Quyến - nơi công ty đặt trụ sở chính.
Bước sang năm 2024, Huawei cho biết việc kinh doanh thiết bị sẽ là mũi nhọn để hãng sẽ tập trung mở rộng. Để đảm bảo vị trí dẫn đầu về công nghệ, Huawei đặt mục tiêu mở rộng đầu tư vào các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo.