Mục tiêu của Huawei là xuất xưởng từ 60 triệu đến 70 triệu smartphone vào năm 2024, tăng gấp đôi số lượng xuất xưởng so với năm nay và năm ngoái, theo hãng tin Nikkei Asia dẫn nguồn từ tin từ hai giám đốc điều hành trong ngành công nghệ. Các nhà phân tích chuỗi cung ứng cho biết Huawei đã tăng cường dự trữ ống kính, máy ảnh, bảng mạch in và các bộ phận khác kể từ đầu năm nay để đáp ứng mục tiêu đó.
Huawei cũng yêu cầu Qualcomm - nhà cung cấp chip di động 4G duy nhất của họ ở Mỹ - giao đơn đặt hàng cả năm trước tháng 6 vì lo ngại Mỹ sẽ bổ sung hoạt động kiểm soát xuất khẩu.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã phải chịu đựng các hạn chế thương mại của Mỹ kể từ năm 2019 nhưng vẫn chưa từ bỏ tham vọng phát triển chip. Những nỗ lực của họ đã được nhiều đối tác trong nước hỗ trợ do các công ty này đã có sẵn nhiều thiết bị cần thiết trước khi Mỹ và các đồng minh hạn chế xuất khẩu những công nghệ đó cho Trung Quốc.
Huawei đã hợp tác với nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International (SMIC) để sản xuất chipset di động 5G và các chip tiên tiến khác tại nhà máy ở Thượng Hải, dựa trên công nghệ sản xuất 7nm và 14 nm - công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất của Trung Quốc hiện nay, cách khá xa so với trình độ sản xuất chip tiến trình 3nm và 4nm của các hãng như TSMC và Samsung.
Kế hoạch trở lại của Huawei vẫn có thể vấp phải trở ngại lớn khi Mỹ dự định mở rộng quy mô các lệnh cấm vận chip AI và trang thiết bị sản xuất chip vốn đã khá rộng. Nhiều nhà hoạch định chính sách hối thúc Washington rút giấy phép và miễn trừ cấp cho Huawei cùng các hãng chip Trung Quốc như SMIC.
Bryan Ma, Phó Chủ tịch nghiên cứu thiết bị tại IDC, cho rằng Huawei đặt mục tiêu bay cao trong hai năm tiếp theo dựa trên sự ủng hộ “người anh hùng quê hương” của người dân Trung Quốc. Theo ông Ma, Huawei có khả năng giành thị phần trong phân khúc cao cấp từ Apple ở đại lục. Dù vậy, căng thẳng chính trị có thể phá vỡ kế hoạch của họ nếu công ty đột nhiên không thể mua đủ linh kiện.
Mảng kinh doanh smartphone của Huawei bị ảnh hưởng nặng nề do Mỹ trấn áp. Doanh số từ đỉnh cao 240,6 triệu đơn vị năm 2019 xuống còn 30,5 triệu đơn vị năm 2022, đứng thứ 10 thế giới, theo IDC. Để chống chọi, hãng tăng cường thâm nhập sản xuất chip thay vì chỉ thiết kế với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các nhà sản xuất chip mới nổi như PengXinWei, Shenzhen Pensun Technology (PST), Fujian Jinhua Integrated Circuits.
Huawei âm thầm ra mắt Mate 60 Pro tại Trung Quốc vào ngày 29/8. Đây là smartphone 5G đầu tiên của hãng sau khi bị Mỹ cấm vận, gây tranh luận giữa các nhà quan sát thị trường và nhà hoạch định chính sách Mỹ. Bộ trưởng thương mại Mỹ Gina Raimondo gọi tiến bộ này là “đáng lo ngại” và nói cần công cụ mới để kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Washington xem Huawei là nguy cơ an ninh quốc gia do liên hệ với quân đội Trung Quốc, điều mà Huawei liên tục phủ nhận.