Đại diện Intel từ chối bình luận về thông tin này, nhưng theo Reuters, quyết định cắt giảm nhân sự là một phần trong chiến lược tái cấu trúc của CEO Pat Gelsinger. Kế hoạch này nhằm mục tiêu lấy lại ưu thế cạnh tranh bằng cách cải thiện năng lực sản xuất, đầu tư vào công nghệ chip tiên tiến và mở rộng thị trường.
Dù là một trong những tên tuổi lớn trên thị trường máy tính và máy chủ, Intel đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chip sử dụng cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Trong quý II/2024, doanh thu của công ty được dự báo sẽ duy trì ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên mảng trung tâm dữ liệu và AI lại giảm tới 23%.
Hồi tháng 10/2022, Intel đã công bố kế hoạch cắt giảm chi phí 3 tỷ USD vào năm 2023, điều chỉnh số lượng nhân viên từ 131.900 xuống còn 124.800. Dự kiến, công ty sẽ tiết kiệm được từ 8 đến 10 tỷ USD chi phí hàng năm vào năm 2025.
Trong lĩnh vực chip máy tính, Intel vẫn giữ vị trí dẫn đầu nhưng thị phần đang dần suy giảm. Theo công ty nghiên cứu Stocklytics, thị phần chip dành cho PC và laptop của Intel đã giảm 20%, xuống còn 71,9% trong quý II/2024. Ngược lại, đối thủ AMD lại có bước tiến đáng kể với thị phần tăng 22%, đạt 21,7%.
Dù theo đánh giá của Digitaltrends, AMD còn xa mới có thể bắt kịp Intel trong mảng chip máy tính, nhưng xu hướng hiện tại cho thấy khoảng cách giữa hai bên đang dần thu hẹp. Nếu không đưa ra chiến lược mới, Intel sẽ tiếp tục mất thị phần vào tay đối thủ.
Không chỉ tập trung vào sản xuất chip máy tính, Intel còn đang nỗ lực mở rộng vào lĩnh vực gia công, sản xuất chip cho các công ty khác. Các nhà đầu tư kỳ vọng vào những động thái thúc đẩy sản xuất chip tại Mỹ của Tổng thống Joe Biden sẽ giúp Intel nâng cao triển vọng trong tương lai, giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng châu Á.
Tại Triển lãm Computex 2024 ở Đài Loan hồi tháng 6, logo của Intel vẫn tỏa sáng, nhưng liệu sự tỏa sáng này có thể kéo dài khi Intel đang phải đối mặt với những thách thức lớn phía trước? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.