Hôm 8/4, chính phủ Mỹ đã công bố kế hoạch cung cấp cho Công ty sản xuất Chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 11,6 tỷ USD để hỗ trợ khoản đầu tư của nhà sản xuất chip này cho ba nhà máy chế tạo ở bang Arizona (Mỹ), khi công ty này cố gắng thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Cụ thể, TSMC sẽ được Washington tài trợ không hoàn lại tổng cộng 6,6 tỉ USD, đồng thời được phép vay lên đến 5 tỉ USD. Toàn bộ số tiền này nhằm hỗ trợ TSMC xây dựng ba nhà máy sản xuất chip tại bang Arizona, Mỹ.
TSMC hiện là đơn vị sản xuất bán dẫn độc lập lớn nhất thế giới, nhận gia công chip cho các hãng công nghệ hàng đầu như Apple, Qualcolmm, AMD... Hiện các cơ sở sản xuất chip của tập đoàn này chủ yếu tập trung tại Đài Loan.
Do đó, việc chi đậm cho TSMC được xem là một trong những hạng mục quan trọng nhất trong nỗ lực đưa nền công nghiệp bán dẫn về lãnh thổ nước Mỹ của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Theo thỏa thuận sơ bộ mới được Washington công bố, TSMC sẽ xây thêm một nhà máy thứ ba tại bang Arizona, bên cạnh hai cơ sở đã được công bố trước và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2025 và 2028. Nhà máy vừa được công bố sẽ tọa lạc tại thành phố Phoenix, thủ phủ bang Arizona.
Điểm đặc biệt của nhà máy mới được công bố là việc sử dụng dây chuyền sản xuất chip theo tiến trình 2nm hiện đại.
Điều này cực kỳ hứa hẹn khi sản phẩm thiết bị thương mại sử dụng tiến trình hiện đại nhất hiện tại cũng mới dừng ở 3nm (tiến trình sản xuất chip càng nhỏ càng phức tạp và cho ra sản phẩm càng ưu việt) với dòng chip M3 trên máy tính xách tay Macbook Pro mới nhất của Apple
TSMC tại Arizona cũng cam kết hỗ trợ phát triển khả năng đóng gói tiên tiến thông qua các đối tác ở Mỹ để cho phép khách hàng mua chip tiên tiến được sản xuất hoàn toàn trên đất Mỹ.
Washington cho biết tổng khoản đầu tư 65 tỷ USD của TSMC là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Arizona. 3 nhà máy này dự kiến sẽ tạo ra khoảng 6.000 việc làm công nghệ cao và hơn 20.000 việc làm, cả trực và gián tiếp - chẳng hạn như trong lĩnh vực xây dựng.
Giám đốc điều hành TSMC CC Wei cho biết công ty sẽ giúp các công ty công nghệ Mỹ “giải phóng những đổi mới của họ bằng cách tăng cường năng lực cho công nghệ tiên tiến thông qua TSMC Arizona”.
Chủ tịch TSMC Mark Liu gọi khoản đầu tư này là “chưa từng có”, đồng thời lưu ý rằng khách hàng Mỹ của họ bao gồm một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Ba nhà máy tại Arizona sẽ giúp những khách hàng này tiếp cận nguồn cung cấp chip trong nước cung cấp năng lượng cho nhiều loại sản phẩm, từ điện thoại thông minh đến vệ tinh, cũng như hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
Chính phủ Mỹ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa thêm hoạt động sản xuất chip vào nội địa để hạn chế khả năng gián đoạn nguồn cung, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm này thông qua Đạo luật CHIP cùng các khoản trợ cấp cho các nhà sản xuất.
“Mỹ đã phát minh ra những con chip này, nhưng theo thời gian, chúng tôi đã chuyển từ sản xuất gần 40% công suất của thế giới xuống gần 10% và không có con chip tiên tiến nhất nào. Điều đó khiến chúng ta gặp phải những lỗ hổng an ninh quốc gia và kinh tế đáng kể”, Tổng thống Joe Biden cho biết khi công bố khoản trợ cấp cho TSMC.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết Tổng thống Biden “mệt mỏi vì phải ở cuối chuỗi cung ứng” và rằng các chính phủ đã “đi một chặng đường dài để tăng cường hơn nữa khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng nội địa của chúng ta”.
Bà Gina nói thêm về khoản trợ cấp cho TSMC: “Lần đầu tiên, chúng ta sẽ sản xuất trên quy mô lớn những con chip bán dẫn tiên tiến nhất hành tinh tại Mỹ”.
TSMC sẽ nhận khoản hỗ trợ kinh tế trên theo nhiều đợt, ứng theo tiến độ thi công các nhà máy và mốc sản lượng chip các nhà máy đạt được sau khi khánh thành. Tập đoàn này cũng có thể phải hoàn lại toàn bộ số tiền trên nếu không hoàn thành những điều khoản mình cam kết.