Theo báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước, thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 1/2022 ước đạt 13% dự toán, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước đạt 12,9% dự toán, giảm 8,1%; thu từ dầu thô ước đạt 13,8% dự toán, tăng 44,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 14,2% dự toán, tăng 31,5%.
Về phân bổ ngân sách, đối với các bộ, cơ quan trung ương đến ngày 25/01/2022, Bộ Tài chính đã nhận được quyết định phân bổ, giao dự toán chi ngân sách thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc của 71/76 (93,4%) bộ, cơ quan trung ương; quyết định phân bổ, giao dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản cho các chủ đầu tư của 48/52 (92,3%) bộ, cơ quan trung ương được giao kế hoạch vốn năm 2022.
“Nhìn chung, công tác phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương cơ bản đáp ứng yêu cầu, đúng chính sách, chế độ quy định và trong phạm vi dự toán được giao”, báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước nêu rõ.
Cũng theo báo cáo này, vẫn còn một số trường hợp chậm triển khai hoặc chưa phân bổ hết dự toán được giao; phân bổ dự toán chưa đúng quy định. Đối với các trường hợp này, Bộ Tài chính đã yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc phân bổ, giao dự toán hoặc điều chỉnh lại dự toán đã phân bổ.
Đối với các địa phương, Hội đồng nhân dân 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 của địa phương.
Cụ thể, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn (không bao gồm các khoản thu quản lý qua ngân sách) là 1.605,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, thu nội địa tăng 5,2% (60,58 nghìn tỷ đồng), có 42 địa phương quyết định dự toán thu cao hơn dự toán được giao, 21 địa phương quyết định bằng dự toán được giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 1,9% (6,75 nghìn tỷ đồng); thu từ dầu thô tăng 01 nghìn tỷ đồng so dự toán được giao.
Tổng chi cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) không bao gồm các khoản chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương (NSTW) là 1.013,46 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% (70,17 nghìn tỷ đồng) so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP là 112,49 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 1.768 tỷ đồng so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Về thu ngân sách nhà nước, thực hiện tháng 1 ước đạt 13% dự toán, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Thu nội địa ước đạt 12,9% dự toán, giảm 8,1%; thu từ dầu thô ước đạt 13,8% dự toán, tăng 44,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 14,2% dự toán, tăng 31,5%.
Về chi ngân sách nhà nước, thực hiện tháng 1 ước đạt 113,9 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán, đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội (chiếm 74,9% tổng số chi ngân sách nhà nước), tập trung đảm bảo kinh phí tiền lương, lương hưu, trợ cấp xã hội cho các đối tượng chính sách; đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời các khoản nợ lãi đến hạn (chiếm 13,7% tổng số chi ngân sách nhà nước).
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp 13,62 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt đầu năm 2022.
Riêng chi đầu tư phát triển, do trong tháng 1 các bộ, ngành địa phương tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, thanh toán vốn cho các dự án thuộc kế hoạch năm 2021 (ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 đến hết tháng 1/2022 đạt 90,3% dự toán Quốc hội quyết định đầu năm); đồng thời, đang trong quá trình phân bổ, giao chi tiết và thông báo kế hoạch vốn năm 2022 cho các chủ đầu tư, nên tiến độ chi tháng 1 đạt thấp (ước đạt 2,5% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 2,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong tháng 1, Bộ Tài chính đã phát hành gần 23,08 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 15,81 năm, lãi suất bình quân 2,36%/năm.