Theo bản ký kết, TSMC sẽ đầu tư 205 triệu đô vào quỹ hạ tầng thành phố như đường xá và cấp thoát nước, từ đó dọn đường cho hoạt động xây dựng nhà máy bán dẫn trị giá 12 tỉ đô theo dự án đã được TSMC công bố hồi tháng 5.
TSMC đang là nhà sản xuất, đối tác gia công bán dẫn lớn nhất thế giới của Apple, Qualcomm và nhiều công ty khác. Nhà máy được TSMC xây dựng tại Arizona sẽ đảm nhận dây chuyền 5nm - đây cũng là cơ sở sản xuất tiên tiến đầu tiên của công ty bán dẫn Đài Loan tại Mỹ. Hồi đầu tháng này thì TSMC đã được cấp phép thành lập công ty con, do Mỹ sở hữu hoàn toàn với số vốn đầu tư 3,5 tỉ đô.
Khoản đầu tư của TSMC đã được hội đồng thành phố Phoenix thông qua bằng hình thức bỏ phiếu, kết quả 100% phiếu thuận. Thị trưởng thành phố Phoenix - bà Kate Gallego phát biểu rằng thỏa thuận này "là một thành công lớn ở nhiều cấp độ chính phủ nhằm giúp Arizona trở thành người dẫn đầu trong công nghệ sản xuất tiên tiến."
Theo thỏa thuận, TSMC sẽ xây dựng nhà máy mới và tạo ra 1900 việc làm toàn thời gian trong giai đoạn 5 năm. Hoạt động xây dựng sẽ bắt đầu vào đầu năm 2021 và nhà máy được kì vọng đi vào sản xuất vào năm 2024.
Đổi lại, thành phố Phoenix sẽ xây dựng 3 dặm (4,8 km) đường mới, chi phí đầu tư 61 triệu đô và dành thêm 37 triệu đô nữa để cải thiện hạ tầng cấp nước và 107 triệu đô để cải thiện hệ thống xử lý nước thải. Trước thời điểm cuối năm nay thì TSMC sẽ ký thỏa thuận chính thức với thành phố Phoenix sau khi chốt địa điểm xây dựng.
Có trụ sở tại Tân Trúc, Đài Loan, TSMC cho biết họ cũng hy vọng các khoản trợ cấp liên bang của Mỹ sẽ giúp trang trải thêm chi phí xây dựng chip tại Mỹ. Hầu hết các chất bán dẫn tiên tiến trên thế giới được sản xuất tại Đài Loan, bao gồm cả những chất bán dẫn được sử dụng trong thiết bị quân sự của Mỹ, đã trở thành nguyên nhân gây lo ngại khi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà lập pháp Mỹ vào tháng 6 đã đề xuất khoản tiền hàng tỷ đô la để giúp thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ở Mỹ. Những khoản tiền đó có thể mang lại lợi ích cho cả TSMC cũng như các công ty Mỹ như Intel và Micron.