Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online VOBF 2021) là sự kiện thường niên do Hiệp hội Vecom tổ chức. Với chủ đề “Chuyển đổi từ hôm nay”, VOBF 2021 mang đến bức tranh toàn cảnh và những thông tin dự báo cho các doanh nghiệp TMĐT có những chiến lược thay đổi để thích ứng, sinh tồn và phát triển.
Theo các chuyên gia, năm 2020, trong bối cảnh hầu hết các lĩnh vực kinh tế chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, thương mại điện tử Việt Nam đi ngược xu thế, với mức tăng trường cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Vào tháng 4/2020, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã tiến hành khảo sát nhanh hơn 5.000 doanh nghiệp về tác động của đại dịch và công bố báo cáo “Thương mại điện tử tăng tốc sau Covid-19”. Báo cáo nhận định dịch Covid-19 đã nhanh chóng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Trong giai đoạn cách ly cao điểm từ tháng 2-4/2020, kênh mua sắm này trở thành kênh duy nhất để tiếp cận một số hàng hoá và dịch vụ.
Điểm nổi bật là doanh nghiệp trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh của mình. Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng.
Theo VECOM, thương mại điện tử tăng trưởng 15%, đạt quy mô khoảng 13 tỷ USD trong năm 2020. Quan trọng hơn, với quá trình dịch chuyển số của các doanh nghiệp và sự thay đổi trong nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, các chuyên gia nhận định tốc độ này sẽ được duy trì, bền vững trong những năm tới.
Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch trong phát triển thương mại điện tử (TMĐT) giữa các địa phương vẫn là vấn đề lớn khi TP.HCM và Hà Nội bỏ xa những tỉnh thành còn lại về chỉ số TMĐT. Năm 2021, Chỉ số TMĐT sẽ được tổng hợp từ 3 tiêu chí gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT, giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp.
Báo cáo cho thấy điểm trung bình Chỉ số EBI 2021 của các địa phương là 8,5 điểm. Chỉ số này phản ánh rõ khoảng cách giữa các địa phương khi điểm trung bình của Hà Nội và TP.HCM cách xa với phần còn lại.
TP.HCM tiếp tục đứng đầu về xếp hạng chỉ số TMĐT với 67,6 điểm; Hà Nội xếp vị trí thứ 2 với 55,7 điểm. Đà Nẵng xếp vị trí thứ 3 với 19 điểm, cách một khoảng rất xa so với hai thành phố đứng đầu. Top 5 các địa phương đứng đầu cũng có thay đổi so với năm trước khi Đồng Nai đã vươn lên vị trí thứ 5 ngay sau Bình Dương, với 11,14 điểm (năm ngoái đứng thứ 7). Hải Phòng từ xếp hạng thứ 3 xuống vị trí thứ 6. Các địa phương thuộc khu vực phía Bắc và Tây Nam Bộ có mức độ phát triển TMĐT thấp nhất khi đứng ở cuối bảng xếp hạng.
Giai đoạn 2016 - 2020, khoảng cách TMĐT giữa Hà Nội, TP.HCM và các địa phương còn lại hầu như không thay đổi. Thực tế này chứng tỏ nhiều địa phương chưa khai thác được cơ hội do TMĐT mang lại, đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến chậm mở rộng quy mô kinh doanh và tăng trưởng bền vững.
Theo dự đoán của Vecom, 2021- 2025 sẽ là giai đoạn phát triển nhanh. Để đạt được mục tiêu các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM chiếm 50% giá trị giao dịch TMĐT B2C của toàn quốc thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, hành động quyết liệt của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.