Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chia sẻ việc nhiều nền tảng công nghệ và mạng xã hội đang có nhiều thông tin sai lệch về Trung Quốc và cho rằng cần có sự góp ý của nước này để mang lại thông tin khách quan hơn.
Bà Hoa Xuân Oánh cho rằng hành động xóa các tài khoản bôi nhọ Trung Quốc là cần thiết nếu Twitter muốn đấu tranh chống thông tin sai lệch. Bà Hoa lập luận rằng Trung Quốc đang là nạn nhân lớn nhất của thông tin sai lệch.
Thông tin được bà Hoa đưa ra sau khi Twitter xóa hơn 170.000 tài khoản được cho là truyền bá các thông điệp không đúng sự thật ca ngợi chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là về Covid-19.
Twitter cùng các nền tảng mạng xã hội khác của Mỹ như Facebook, Instagram, bị chặn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, bà Hoa, cùng một số quan chức khác của Trung Quốc như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên, gần đây lập tài khoản Twitter để truyền đi các thông điệp của Bắc Kinh.
Tuy chủ động lên tiếng về sự khách quan nhưng Twitter cho đến nay vẫn bị cấm ở Trung Quốc. Không chỉ Twitter, danh sách nạn nhân của chính sách "Great Firewall" nhằm chặn và kiểm soát các nguồn thông tin từ bên ngoài vào Trung Quốc còn có những ông lớn như Facebook, Google và cả Wikipedia.
Trước sự ngăn cấm của Trung Quốc, các đại gia công nghệ cố gắng "nhường nhịn" chính quyền Bắc Kinh để mở rộng thị trường tại đây nhưng đều gặp khó với các quan điểm cứng rắn của nước này.
Twitter cho biết mạng lưới Trung Quốc được phát hiện với sự trợ giúp của các hệ thống được sử dụng để xóa các tài khoản có liên quan đến nhà nước hồi tháng 8 năm ngoái giữa cao trào các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hong Kong, theo kênh Channel News Asia.
Cùng với việc thúc đẩy việc tường thuật theo cách của Bắc Kinh về những cuộc biểu tình ở Hong Kong, mạng lưới trên cũng làm điều tương tự với đại dịch COVID-19 và chỉ trích Đài Loan – hòn đảo mà Trung Quốc luôn coi là lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất.
Theo báo The Guardian, các nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Chiến lược Úc phát hiện ra rằng trong khi Twitter bị chặn ở Trung Quốc, chiến dịch này nhắm vào đối tượng nói tiếng Trung Quốc ở ngoài nước “với ý định tác động đến nhận thức về các vấn đề then chốt”.