Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9 và đến cuối năm 2023.
Tại Phiên họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân, người lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TƯ.
Trước đó, trong tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ nhất để bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trong bối cảnh cả doanh nghiệp và người lao động đều rất khó khăn và cũng chưa có được những đánh giá toàn diện về tình hình tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm, đặc biệt là triển vọng 2024, trên cơ sở phân tích toàn diện và chia sẻ lẫn nhau, Hội đồng thống nhất sẽ họp lại vào khoảng tháng 11/2023 để bàn, đánh giá tình hình thực tế để từ đó đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2024.
Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người lao động là đối tượng dễ bị tổn thương và hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Việc tăng lương vừa là động lực để thúc đẩy người lao động làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt, nhưng trước hết đảm bảo cho người lao động duy trì mức sống tối thiểu.
Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các yếu tố như: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Mức lương này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn mức tăng từ 5 – 6% để vừa cải thiện đời sống của người lao động, vừa chia sẻ với doanh nghiệp, giúp ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của thành viên hội đồng đề nghị lùi thời điểm xem xét điều chỉnh tiền lương để doanh nghiệp có điều kiện duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại 63 tỉnh, thành phố trong 4 tháng đầu năm cho thấy, hơn 500.000 người bị ảnh hưởng đến việc làm, trong đó có gần 300.000 người thôi việc.
Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất cần thêm thời gian để đánh giá về các yếu tố tăng lương tối thiểu.
Dự kiến, phiên họp tiếp theo được lùi vào cuối tháng 11 tới để chốt lại phương án và thời điểm tăng lương tối thiểu trong năm 2024.
Từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu trải qua qua 8 lần điều chỉnh, với mức tăng như sau: 15,2% (năm 2014); 14,2% (năm 2015); 12,4% (năm 2016); 7,3% (năm 2017); 6,5% (năm 2018); 5,3% (năm 2019); 5,5% (từ năm 2020 đến tháng 6/2022); 6% từ tháng 7/2022 đến nay.
Hiện lương tối thiểu tháng đang được áp dụng tại 4 vùng như sau: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương tối thiểu giờ tại vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Ban Chính sách pháp luật phối hợp với Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện trong quý 2/2023 cho thấy, chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại hơn 75% có thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ. Thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.