Trước diễn biến giá xăng, dầu thế giới, liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với dầu madút ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước), không trích lập Quỹ đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa và không chi sử dụng Quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Giá bán các mặt hàng xăng, dầu phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92 không cao hơn 22.913 đồng/lít (tăng 742 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.247 đồng/lít.
Xăng RON95-III không cao hơn 24.160 đồng/lít (tăng 753 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành).
Dầu diesel 0.05S không cao hơn 20.999 đồng/lít (tăng 623 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành).
Dầu hỏa không cao hơn 20.923 đồng/lít (tăng 379 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành).
Dầu madút 180CST 3.5S không cao hơn 16.087 đồng/kg (tăng 593 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành).
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi thương nhân đầu mối sản xuất, kinh doanh, phân phối xăng dầu đề nghị đảm bảo nguồn cung.
Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân xăng dầu thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Bộ Công thương về giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu thực hiện nghiêm túc kế hoạch sản xuất đã đăng ký với Bộ Công Thương, chủ động nguồn cung xăng dầu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu phù hợp, bảo đảm cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo sản lượng, thời gian đã ký kết giữa các bên.
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao và kế hoạch thực hiện tổng nguồn hàng quý đã đăng ký với Bộ Công Thương, chủ động nguồn cung xăng dầu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ).
“Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên”, Bộ Công Thương chỉ đạo.
Ngoài ra, Bộ Công Thương lưu ý phải chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường. Bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.