Hội nghị “Lộ trình 5G của ASEAN” nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2022 (Vietnam International Digital Week 2022), do Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 11/10 đến 14/10. Sự kiện quy tụ các lãnh đạo cấp cao, đại diện các bộ ngành của các nước ASEAN cùng nhiều tổ chức quốc tế đến tham gia đối thoại.
Tại hội nghị "Lộ trình 5G của ASEAN”, Ông Eric Guo - Giám đốc Giải pháp không dây của Huawei Việt Nam đã có bài phát biểu về “Chiến lược băng tần hỗ trợ và phát triển 5G thần tốc”.
Giám đốc Giải pháp không dây của Huawei Việt Nam, chia sẻ: "Kỷ nguyên 5G đã sẵn sàng với hệ sinh thái thiết bị ngày càng đầy đủ và ứng dụng trên quy mô lớn. Hơn 70 quốc gia đã ra mắt dịch vụ 5G, đặt nền tảng cho việc triển khai 5G trên toàn thế giới. Trên 220 mạng 5G với hơn 2,2 triệu trạm phát sóng phục vụ 700 triệu người dùng. Đến năm 2030, dự kiến 5G sẽ đóng góp 960 tỷ USD vào GDP toàn cầu. Bắt kịp dòng chảy của thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng đang bước vào giai đoạn phát triển 5G thần tốc, tiến tới thay thế 50% kết nối 4G vào năm 2030".
“Tầm quan trọng của 5G là không thể bàn cãi! 5G là cốt lõi của cạnh tranh kỹ thuật số, nền tảng của chuyển đổi số (kinh tế số, xã hội số, chính phủ số…), chìa khóa để mở cánh cửa tăng trưởng số cho các quốc gia. 5G cho phép các ứng dụng mới có thể chuyển đổi mọi ngành công nghiệp và nền kinh tế, song chúng lại phụ thuộc chặt chẽ vào băng tần truy cập. Cần băng tần trung dưới 6GHz dịch vụ chất lượng cao và dưới 1GHz cho kết nối khắp mọi nơi vào năm 2030 để truy cập băng thông di động nâng cao, truy cập không dây cố định, internet vạn vật, công nghiệp 4.0…”, ông Eric Guo nhấn mạnh.
Sau phần trình bày về 3 dải băng tần chính, ông Eric Guo nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp kết hợp các phổ tần giúp tăng tốc triển khai và sử dụng 5G. Các thế hệ băng tần từ thấp đến cao đều có những lợi thế riêng và kinh nghiệm triển khai, nên cân bằng giữa dung lượng và vùng phủ sóng, tối ưu băng thông liền kề trên mỗi mạng, thúc đẩy phát triển công nghệ kép một mạng theo yêu cầu, trung lập về công nghệ để tiến hóa lên 5G, đẩy mạnh các dịch vụ di động.
Cũng tại Hội nghị, chia sẻ về triển khai 5G, đại diện đến từ Bộ Nội vụ và Truyền thông của Nhật Bản - đối tác số của ASEAN, cho biết Nhật Bản đã đề ra mục tiêu phát triển mạng 5G với mục tiêu xây dựng hạ tầng phủ sóng 97% dân số vào năm 2025 (tương đương 300.000 trạm thu phát sóng 5G) và 99% vùng phủ năm 2030 (600.000 trạm thu phát sóng 5G).
Để đạt được mục tiêu này, năm 2019, Nhật Bản đã phân bổ tần số cho các nhà mạng để phát triển công nghệ 5G, từ đó mạng 5G phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn đưa ra chính sách miễn giảm thuế để thúc đẩy cho các công ty phát triển dịch vụ 5G. Nhờ đó, công nghệ 5G đã giúp các sân bay triển khai xe tự hành, giải quyết bài toán thiếu nhân công, hoặc vận hành tự động giám sát container ở cảng biển.
Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ, Nhật Bản đã mở cho nhiều chủ thể tham gia trong xây dựng hạ tầng, với điều kiện phải bảo đảm an toàn an ninh. Đặc biệt, Nhật Bản lựa chọn triển khai công nghệ Open Ran (kiến trúc mạng thông tin di động cho phép các mạng được tích hợp với nhau sử dụng các phần tử mạng từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, giúp giảm chi phí thiết bị. Công nghệ này khác với Ran vốn chỉ có một vài nhà cung cấp chi phối) giúp giảm 30% chi phí đầu tư, qua đó thúc đẩy cạnh tranh. Từ kinh nghiệm trên, đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông của Nhật Bản cho rằng thúc đẩy Open Ran sẽ thúc đẩy triển khai 5G tại các nước ASEAN.