Đợt phóng này kèm theo 9 vệ tinh của các quốc gia khác vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy PSLV-C49. Tên lửa rời bệ phóng lúc 15h11 (giờ Ấn Độ), chậm 9 phút so với kế hoạch ban đầu vì lý do thời tiết, từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, bang miền Đông Andhra Pradesh. Tên lửa đã lần lượt đưa các vệ tinh vào quỹ đạo dự kiến sau đó 20 phút.
Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO), cơ quan vũ trụ của nước này, cho biết, vệ tinh quan sát Trái đất mới của Ấn Độ gửi hình ảnh rõ nét và sẽ được sử dụng để hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và quản lý thiên tai. Bên cạnh đó, các hình ảnh do vệ tinh thu được cũng sẽ được sử dụng cho mục đích giám sát.
Vệ tinh EOS-01 với radar khẩu độ tổng hợp có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết. Vệ tinh có thể chụp ảnh cả ngày lẫn đêm, hữu ích cho việc giám sát cũng như các hoạt động dân sự.
Vào lúc 15h12 ngày 7/11, tên lửa PSLV-C49, với trọng lượng nâng 259 tấn và cao khoảng 44,4 m, đã đưa vệ tinh quan sát Trái đất EOS-01 nặng 630 kg lên quỹ đạo, theo sau đó là 9 vệ tinh nước ngoài từ Lithuania (1-R2, trình diễn công nghệ), Luxembourg (4 vệ tinh ứng dụng hàng hải của Kleos Space) và Mỹ (vệ tinh viễn thám đa năng 4-Lemur). Đến nay, ISRO đã đưa vào quỹ đạo 328 vệ tinh nước ngoài.
Đây là lần phóng vệ tinh đầu tiên của Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ trong năm nay và là lần phóng thứ 51 của tên lửa đẩy.