Trong cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Giám đốc điều hành Apple cho biết công ty sẽ xem xét xây dựng một cơ sở sản xuất tại quốc gia này. “Chúng tôi đã nói về mong muốn của tổng thống và đó cũng là điều mà công ty sẽ xem xét”, CEO Tim Cook nói với báo giới sau cuộc gặp người đứng đầu chính phủ.
Cân nhắc của Apple diễn ra trong bối cảnh công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc, nơi vẫn đang là công xưởng chính lắp ráp phần lớn sản lượng iPhone và iPad. Kể từ sau đại dịch, gã khổng lồ công nghệ đã bắt đầu chuyển dịch một số hoạt động sản xuất sang các quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ.
Chuyên nghiên cứu về công nghệ và địa chính trị, Phó giáo sư Chris Miller tại Đại học Tufts (Massachusetts, Mỹ) cho rằng trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và nỗ lực của Bắc Kinh hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nội địa, Apple cần có các giải pháp sản xuất thay thế.
"Họ đã đầu tư nhiều hơn vào Ấn Độ và Việt Nam, nhưng có thể đang xem xét các đối tác khác ở Đông Nam Á để bổ sung các hoạt động sản xuất và lắp ráp", ông nhận định.
Nhiều năm qua, Indonesia đã nỗ lực thu hút sản xuất vào Indonesia nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính phủ của Widodo đã cố gắng tận dụng nguồn nickel và các khoáng sản khác của đất nước để thúc đẩy sản xuất, bằng cách cấm xuất khẩu các nguyên liệu như nickel và bauxite để bắt các công ty phải xây dựng nhà máy luyện kim trong nước.
Hiện tại Apple vẫn chưa có cơ sở sản xuất nào đặt tại Indonesia, nhưng kể từ năm 2018, “nhà táo” đã thiết lập những học viện đào tạo lập trình viên ở đây, với tổng số vốn đầu tư khoảng 99 triệu USD.
Mới đây, hãng chế tạo điện thoại iPhone thông báo sẽ mở học viện thứ 4 của hãng tại Indonesia, đặt tại đảo nghỉ dưỡng Bali. Công ty lần đầu triển khai chương trình đào tạo các nhà phát triển ứng dụng nước này năm 2018, tại Jakarta.
Theo thống kê, Indonesia có dân số trẻ và am hiểu công nghệ, với hơn 100 triệu người dưới 30 tuổi. Tuy nhiên, thiết bị sử dụng hệ điều hành Android của Google đang “vượt mặt” Apple để thống trị thị trường điện thoại thông minh tại quốc gia Đông Nam Á này.
Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia nói rằng, nếu Apple quyết định xây dựng nhà máy, họ sẽ “thảo luận về cách cơ sở này trở thành chuỗi cung ứng toàn cầu”. Ngoài ra, trong trường hợp "gã khổng lồ" sản xuất iPhone không đầu tư, các bên vẫn có thể hợp tác với những doanh nghiệp Indonesia để sản xuất linh kiện.
Các sản phẩm bán ra tại Indonesia phải đáp ứng quy định có tối thiểu 35% “nội dung” địa phương. Apple đã đạt định mức này bằng cách xây dựng các học viện, song chính phủ ông Widodo kỳ vọng có thể đẩy con số này lên cao hơn với một nhà máy sản xuất.
Với dân số hơn 270 triệu người, Indonesia là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Thị trường di động của Indonesia có tiềm năng tăng trưởng cao.
Năm 2023, sản xuất điện thoại trong nước tại Indonesia là 49 triệu chiếc, trong khi nhập khẩu ở mức 2,79 triệu chiếc. Trong số hàng nhập khẩu, 85% là sản phẩm của Apple, Bộ trưởng Công nghiệp Kartasasmita chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng có thể tạo ra giá trị gia tăng ở Indonesia. Điều chúng tôi muốn khuyến khích cũng là xây dựng nhà máy sản xuất”.