Báo cáo phân tích các mục tiêu và kế hoạch hành động liên quan đến khí hậu của các thành phố tại sáu khu vực khác nhau trên thế giới, xác định các cơ hội trong các lĩnh vực ưu tiên như công trình xanh, giao thông công cộng, phương tiện giao thông chạy điện, chất thải, nước, và năng lượng tái tạo. Báo cáo cũng nêu bật các cách tiếp cận sáng tạo mà các thành phố đã và đang áp dụng — ví dụ như trái phiếu xanh và hợp tác công tư — nhằm thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các đô thị.
Theo báo cáo, với hàng loạt các kế hoạch, chính sách và dự án, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có tiềm năng thu hút đầu tư liên quan đến khí hậu cao hơn bất kỳ khu vực nào khác, với các cơ hội lớn nhất thuộc về các lĩnh vực công trình xanh, ước tính đạt 17,8 ngàn tỷ USD đến 2030.
Với hơn một nửa dân số thế giới hiện đang sống tại các đô thị, các thành phố sử dụng trên hai phần ba năng lượng của thế giới và phát ra hơn 70% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Cách thức các thành phố giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các nỗ lực khống chế mức tăng nhiệt độ trái đất ở mức 1,50C, theo Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC).
“Đối phó với biến đổi khí hậu đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết – chúng ta phải có những hành động phù hợp ngay,” ông Philippe Le Houérou, Tổng Giám đốc Điều hành IFC phát biểu. “Các thành phố chính là trọng điểm của các khoản đầu tư vào lĩnh vực khí hậu, với các cơ hội đầu tư trị giá hàng ngàn tỷ USD chưa được khai thác. Để hiện thực hóa cam kết phát triển các thành phố thông minh trong ứng phó với biến đổi khí hậu, các chính phủ cần thực hiện hàng loạt các cải cách nhằm thu hút nhiều hơn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.”
"Với sự phát triển mạnh của các đô thị đông dân ở châu Á trong những năm tới, các cơ hội để giảm phát thải khí nhà kính của các thành phố vốn đóng góp nhiều cho GDP của khu vực là rất lớn," ông Vivek Pathak, Giám đốc khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của IFC phát biểu. "Tính riêng tại Jakarta, các cơ hội đầu tư lên tới 30 tỷ USD, tập trung ở các công trình xanh, các phương tiện giao thông chạy điện và năng lượng tái tạo. Báo cáo cho thấy các siêu thành phố của châu Á cũng có tiềm năng lớn cho các dự án đầu tư giúp giảm phát thải carbon."
Tính trên toàn cầu, các công trình xanh sẽ chiếm tới 24,7 ngàn tỷ trong số các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực khí hậu của các thành phố. Tiềm năng lớn cho đầu tư nằm ở các giải pháp giao thông phát thải carbon thấp như giao thông công cộng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (1 ngàn tỷ USD) và phương tiện giao thông chạy điện (1,6 ngàn tỷ USD). Đồng thời, năng lượng sạch (842 tỷ USD), nước (1 ngàn tỷ USD) và chất thải (200 tỷ USD) tiếp tục là các hợp phần thiết yếu trong phát triển đô thị bền vững.
Giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu là một ưu tiên chiến lược của IFC. Từ năm 2005, IFC đã đầu tư 22,2 tỷ USD dưới hình thức các khoản tài trợ dài hạn từ nguồn vốn của chính tổ chức và đã huy động 15.7 tỷ USD thông qua các mối quan hệ đối tác với các nhà đầu tư cho các dự án liên quan đến khí hậu. Báo cáo mới nhất là một phần trong chuỗi các báo cáo về Các Cơ hội Đầu tư vào lĩnh vực Khí hậu được IFC khởi xướng năm 2016.
Về IFC IFC—một tổ chức đồng cấp với Ngân hàng Thế giới và thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới — là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Chúng tôi hợp tác cùng hơn 2,000 doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới, sử dụng năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình để kiến tạo các thị trường mới cùng những cơ hội phát triển ở những khu vực thách thức nhất trên thế giới. Trong năm tài chính 2018, tổng đầu tư dài hạn của chúng tôi tại các nước đang phát triển đạt 23 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung. Để biết thêm thông tin chi tiết, mời truy cập www.ifc.org
|