Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng lây lan nhanh tại một số địa phương, khiến nhiều doanh nghiệp tại nhiều khu công nghiệp phải ngừng hoạt động, gây tác động rất lớn không chỉ tới tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, việc tiêm chủng vắc xin là giải pháp căn cơ, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép do Chính phủ đề ra là vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Bảo vệ sức khỏe của người dân, đồng thời tiếp tục duy trì năng lực sản xuất và kinh doanh đang là định hướng đúng đắn của Chính phủ trong việc đối phó với đại dịch Covid-19.
Những hành động của Chính phủ Việt Nam và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 từ thời điểm khởi đầu dịch bệnh đến nay cho thấy sự tận tâm, quyết liệt trong việc xử lý và ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng. Năm 2020, những nỗ lực ấy đã được chứng minh bằng hiệu quả cao, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, đồng thời nền kinh tế quốc gia vẫn có chỉ số tăng trưởng dương, được cả thế giới khen ngợi.
Thế nhưng, năm 2021, sự phức tạp của dịch bệnh đã tăng cao hơn, với chủng virus biến thể làm cho bệnh dịch lây lan với tốc độ nhanh, khó kiểm soát. Nhiều khu công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh corona virus, nhiều địa phương, khu vực bị phong tỏa, doanh nghiệp đình đốn sản xuất như ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Trước những diễn biến nhanh và phức tạp của tình hình dịch bênh, đã cho thấy việc mua và tổ chức tiêm phòng vắc-xin tại nước ta còn chưa theo kịp so với diễn tiến của dịch bệnh.
Mở đầu cuộc họp với trên 10 đại diện các hiệp hội có thâm dụng lao động cao tại Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhấn mạnh: "Việc tiêm chủng Vắc xin trở thành yếu tố then chốt để duy trì sản xuất và kinh doanh trong hoàn cảnh đại dịch vẫn tiếp diễn. Việc chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp vào những nỗ lực triển khai mua và tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19 với Chính phủ tại thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho sản xuất và cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, góp phần duy trì đời sống kinh tế xã hội ổn định, thực hiện “mục tiêu kép” như chính phủ đề ra".
Ông Nguyễn Hồng Uy, thay mặt cho Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) trình bày đề xuất về chiến lược tiêm văc-xin Covid-19, theo đó kiến nghị cần có một cơ chế cụ thể, hiệu quả để cộng đồng doanh nghiệp cùng chung sức với Chính phủ thực hiện mục tiêu này, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.
Ông Ngô Sỹ Hoài, đại diện Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, thẳng thắn phát biểu: “chúng ta đang trong tình thế cấp bách và rất cần vắc-xin để tiêm cho công nhân. Hiệp hội gỗ đã gửi đơn đề nghị được trả tiền mua 1 triệu liều Vaccine Covid–19 để, nhưng vẫn chưa được trả lời. Những kiến nghị của ông Hoài cũng phù hợp với đa số ý kiến của các hiệp hội ngành nghề khác đang tham dự buổi họp. Việc xã hội hóa cho doanh nghiệp tham gia vào thu mua và hỗ trợ triển khai tiêm Vắc-xin Covid-19 đang trở nên rất cần thiết.
“Đề nghị Chính phủ mở thêm một kênh để các doanh nghiệp có thể tự tìm kiếm và nhập khẩu Vaccine Covid – 19. Tất nhiên, chất lượng sản phẩm vẫn cần có sự giám sát của Bộ Y tế”, ông Nguyễn Hoài Nam, Hiệp hội chế biến xuất khẩu Thủy sản Việt Nam phát biểu: “Các doanh nghiệp Việt có thể thông qua Amrcham để tìm kiếm nguồn cung Vaccine từ các doanh nghiệp Mỹ - nơi được thế giới đánh giá cao về chất lượng”.
Những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp đồng loạt góp tiền ủng hộ Quỹ phòng chống Covid -19 của Chính phủ với số lượng lớn,với mong muốn chung tay cùng Chính phủ có nguồn lực để nhanh chóng nhập vắc-xin tiêm cho người dân.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam cho biết: “Việc chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp vào những nỗ lực triển khai mua và tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19 tại thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho sản xuất và cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, góp phần duy trì đời sống kinh tế xã hội ổn định, thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ đề ra". Đồng thời đề xuất: “Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị với Chính phủ cho phép xã hội hóa việc mua và tiêm vắc-xin bằng việc cho phép doanh nghiệp tham gia mua và hỗ trợ triển khai tiêm Vaccine – Covid 19 cùng với Chính phủ". Bà cũng kiến nghị việc nhập khẩu và tổ chức tiêm vắc xin cần được sự quản lý thống nhất của Chính phủ thông qua Bộ Y tế vì văc xin là một sinh phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đến sức khỏe tính mạng người dân. Bà Hương cũng kiến nghị với Chính phủ việc thống nhất cấp chứng nhận tiêm chủng văc xin Covid-19 nhằm đảm bảo thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương trong nước cũng như quốc tế.
“Việc triển khai tiêm phòng cho công nhân nên ưu tiên trước nhất cho các khu công nghiệp có số lượng lao động lớn. Sau đó đến các nhà máy nhỏ hơn nằm trong vùng có dịch bệnh, rồi cuối cùng là các nhà máy đông lao động, tuy chưa nằm trong vùng dịch, để phòng tránh trước”, PGS. TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam đề xuất.
Mặt khác, hội nghị cũng đề xuất việc cho phép thí điểm áp dụng xét nghiệm Covid-19 bằng que thử. Trước đó, ngày 17/5, Bộ Y tế đã cho phép người dân sử dụng bộ Kit xét nghiệm Covid – 19 bằng các que thử. Phương thức xét nghiệm Covid-19 bằng que thử mang tính tầm soát, cách thực hiện đơn giản và nhanh hơn phương pháp RT-PCR, không đòi hỏi phải thực hiện bởi nhân viên y tế và không tốn nhiều thời gian. Nếu các doanh nghiệp được phép sử dụng phương pháp này để tiến hành xét nghiệm nhanh cho cho công nhân sẽ giảm tải áp lực cho đội ngũ y tế.
Nhìn sang nước bạn, Indonesia đã hoàn thành kế hoạch tiêm Vaccine Covid – 19 cho 80-90 triệu người chỉ trong 3 tháng. Để làm được điều tương tự hoặc tốt hơn, Việt Nam sẽ rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh các ca lây bệnh vẫn tăng lên mỗi ngày như hiện nay, bất chấp nỗ lực của các cơ quan nhà nước.
Chỉ tính riêng ngành Dệt may, với hơn 3 triệu lao động có nguy cơ bị giãn cách xã hội cao và tính đến nay đã có 45 nhà máy bị đóng cửa hơn 1 tuần. Nhiều đơn hàng số lượng lớn chưa được xử lý; những cam kết của doanh nghiệp trong các hiệp định thương mại tự do với công ty nước ngoài rất khó thực hiện; tâm lý người lao động bị ảnh hưởng nặng nề; doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho công nhân ngay cả khi nhà máy ngừng hoạt động; sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và của nền kinh tế khó đảm bảo.
“Từ nay đến tháng 7, 8 nếu công nhân không tiêm được Vaccine Covid – 19 thì ngành Dệt may không đảm bảo được phát triển bền vững”, ông Vũ Đức Giang chủ tịch hiệp hội dệt may (VITAS) nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Thanh Xuân – Tổng thư ký Hiệp hội Da Giầy túi xách Việt Nam (LEFASO) – ngành có mật độ lao động cao cũng đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế nhập khẩu Vaccine Covid – 19 đa dạng hơn để các doanh nghiệp có thể tham gia, đảm bảo đủ số lượng cho tiêm chủng đại trà trên toàn quốc trong thời gian ngắn nhất.
Tinh thần vào cuộc của các Hiệp hội trong buổi họp trực tuyến do VCCI tổ chức chiều nay đã rất sẵn sàng. Quyết định tự chi trả chi phí tiêm văc-xin covid-19 cho người lao động cho thấy quyết tâm của doanh nghiệp cùng đồng hành với Chính phủ chung tay đẩy lùi dịch bệnh và đảm bảo phát triển kinh tế. Có những ý kiến băn khoăn về vai trò của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trong việc hỗ trợ người lao động mua và tiêm Vaccine Covid – 19 là gì? khi tổ chức này đang nắm trong tay một quỹ rất lớn! Khi chưa có câu trả lời, các doanh nghiệp vẫn bỏ tiền túi ra để đồng hành cùng Chính phủ giúp người dân phòng chống dịch bệnh.
Hội thảo kết thúc với nhiều ý kiến đóng góp của những doanh nhân tham gia. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI một lần nữa khẳng định sự chung tay của Doanh nghiệp với Chính phủ đã là yếu tố cấp thiết. Ngay sau buổi họp này, VCCI sẽ đệ trình ngay một báo cáo nhanh cho Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống Covid – 19. Ông Phòng cũng đánh giá cao tính chủ động của các Hiệp hội doanh nghiệp trong các đề xuất đóng góp kinh phí, nhân lực đặc biệt là sự sẵn sàng tìm nguồn thu mua Vaccine Covid – 19 chứ không chỉ phụ thuộc vào một kênh duy nhất là Bộ Y tế.