Liên tục trong thời gian gần đây, một số đối tượng xưng là nhân viên Điện Máy Xanh gọi điện bán hàng trực tiếp, mời mua gói bảo hành, kêu gọi khách đánh giá sản phẩm… Sau đó, các đối tượng yêu cầu khách phải chuyển tiền để nhận được quà và chiếm đoạt tài sản.
Một trường hợp cụ thể Điện Máy Xanh phát hiện được là đối tượng xấu liên hệ với khách hàng, tự xưng là nhân viên của công ty chào mời khách hàng tham gia đánh giá sản phẩm để nhận tiền hoặc quà từ chương trình tri ân.
Đối tượng bắt đầu bằng cách sử dụng đường dẫn website thực của Điện Máy Xanh nhằm tạo niềm tin đây là chương trình của hãng thật. Các đối tượng thậm chí còn đưa ra giấy tờ xác minh cho thấy đây thực sự là chương trình của hệ thống khiến người bị hại mất cảnh giác.
Khi có được sự tin tưởng, đối tượng tiếp tục cài bẫy bằng các bước tinh vi và khéo léo. Với sự tham gia của nhiều đối tượng đóng giả nhân viên của công ty để tư vấn, mục đích cuối cùng là yêu cầu khách hàng chuyển tiền.
Số tiền được chuyển nhằm ứng trước để khách có thể nhận được mức hoa hồng lớn hơn hay nhận được hàng hóa và dần dần số tiền mỗi lần sẽ tăng lên. Sau khi người bị hại chuyển tiền, chúng sẽ tắt hết mọi liên lạc và “cắt đuôi” để chiếm đoạt.
Ngoài việc giả mạo công văn, con dấu, đánh cắp thông tin cá nhân và hình ảnh của nhân viên Điện Máy Xanh để tạo niềm tin, các đối tượng còn tinh vi hơn khi sử dụng thông tin có dấu hiệu liên quan đến công ty, chẳng hạn như dùng tên chuyển khoản có chữ Điện máy Xanh hay DMX…
Trước thực trạng lừa đảo tràn lan, đại diện Điện Máy Xanh khẳng định không liên quan đến những cá nhân, tổ chức nêu trên. Đồng thời, đơn vị này cũng đã báo cáo tính hình đến các cơ quan có chức năng để tiến hành xử lý.
"Đây hoàn toàn là hành vi mạo danh trắng trợn nhằm chiếm đoạt tài sản, gây hoang mang cũng như thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng. Chúng tôi cũng chính là nạn nhân của những đối tượng này khi uy tín của mình bị tổn hại", đại diện Điện Máy Xanh cho biết.
Đơn vị này cũng khẳng định rằng Điện Máy Xanh không thực hiện gọi điện bán hàng trực tiếp, kêu gọi mua gói bảo hành, không có các chương trình tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà, không kêu gọi khách đánh giá sản phẩm nhằm mục đích kiếm tiền,...
Báo cáo từ Cục An toàn thông tin cho biết trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng tăng 37,82% so với giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022.
Hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính, bao gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Tổng cộng, 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.