Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đang đến gần, thời gian nghỉ Tết năm nay kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa Lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội kéo dài với nhiều lượt khách tham dự. Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…
Theo đó, chính quyền các cấp, các nhà quản lý phổ biến kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết và lễ hội Xuân; đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan trong việc quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, cơ sở. Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; hướng dẫn họ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ, sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến đúng quy định.
Từ ngày 20/12/2021đến hết 12/3/2022, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Đắk Nông, Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tại các địa phương sẽ tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ cấp tỉnh đến quận/huyện, xã/phường.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã thực hiện kiểm tra.
Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm yêu cầu các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác về an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; ngăn chặn và xử lý nghiêm việc quảng cáo thực phẩm vi phạm.
Không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện sửa chữa, khắc phục đạt yêu cầu.
Trong quá trình kiểm tra các đoàn của tuyến trên căn cứ vào tính chất vụ việc và thẩm quyền để xử lý hoặc chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan chức năng của địa phương (UBND hoặc thanh tra chuyên ngành về y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương) nơi có cơ sở được kiểm tra đóng trên địa bàn để xử lý theo quy định.