Chính phủ vừa đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% về 8% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục rút gọn và sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 5 này.
Trong tháng 5 này, các lĩnh vực như bất động sản, bưu chính viễn thông, sản phẩm cơ khí... dự kiến sẽ được giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% nếu Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng của Chính phủ. Đây là tháo gỡ lớn khi hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều được giảm thuế giá trị gia tăng.
Dự thảo đề xuất giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Như vậy, đề xuất này mở rộng nhóm hàng hóa dịch vụ được giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% so với quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
Dự thảo cũng đề xuất mức giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% của cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8%.
Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% được áp dụng cho tất cả các khâu từ nhập khẩu, sản xuất đến gia công, kinh doanh thương mại.
Giảm thuế VAT đối với Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT quy định.
Về thời gian áp dụng theo tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Bộ Tài chính là kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023. Nếu như Dự thảo này được thông qua thì Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.
"Cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, chúng tôi rất mong mỏi việc áp dụng sớm về mặt chính sách. Doanh nghiệp không còn bỡ ngỡ nữa, nên việc chúng ta áp dụng càng sớm, càng tốt bao nhiêu thì doanh nghiệp có lợi bấy nhiêu và trực tiếp có lợi cho người tiêu dùng", ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Hà Nội, cho biết.
Kết quả thực hiện tổng gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng năm 2022, Quốc hội và Chính phủ đã hỗ trợ 44.000 tỷ đồng. Năm nay khi thực hiện với quy mô lớn hơn, chỉ nửa năm áp dụng, Quốc hội và Chính phủ dự kiến sẽ giảm 35.000 tỷ thu về ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
"Dự toán tổng thu ngân sách nhà nước giảm 35.000 tỷ, bằng khoảng 2,1% dự toán thu cân đối ngân sách của toàn nền kinh tế và dự kiến bằng 2,6% thu nội địa. Mặc dù suy giảm nhưng nó sẽ có tính chất kích thích cho phục hồi và phát triển sản xuất, tạo nguồn thu bền vững", ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định.
Theo Hội tư vấn Thuế Việt Nam, tổng thu ngân sách nhà nước trong tài khóa của năm 2023 được Quốc hội thông qua không thay đổi. Để bổ sung nguồn thu vào ngân sách nhà nước, cơ quan thuế sẽ có những biện pháp để tăng cường quản lý thuế như quản lý rủi ro thuế tại các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, hoạt động chuyển giá và kinh doanh trên thuong mại điện tử xuyên biên giới. Những nguồn lực này nếu thu được đúng và đủ sẽ vẫn có thể đảm bảo đủ dự toán thu ngân sách nhà nước.