Bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, Diễn đàn nhằm kết nối các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng chia sẻ góc nhìn, bình luận, dự báo kịch bản tang trưởng kinh tế Việt Nam 2022-2023 và triển vọng tăng trưởng của các ngành kinh tế chính. Đây là vấn đề được rất nhiều chủ thể quan tâm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có hồi kết và cuộc xung đột Nga - Ukraine ngày một căng thẳng, đang tạo nên những thay đổi rất lớn về cơ hội và thách thức phát triển kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Việt Nam. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đầu năm 2022.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, từ đầu năm đến nay, bên cạnh những dự báo lạc quan, rất cần nhìn nhận một thực tế là khó khăn, thách thức đang ngày càng lớn khi đại dịch Covid-19 chưa kết thúc trong bối cảnh bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, công tác dự báo về triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế ngành cần được cập nhật dựa trên những phân tích khoa học, chuyên sâu và đa chiều. Đây là những nỗ lực rất cần thiết, nhằm góp sức cho công tác hoạch định chính sách cũng như hoạt động của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, để cùng hiện thực hóa mục tiêu phát triển Đất nước như các Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra.
Chia sẻ bức tranh dự báo lạm phát Việt Nam giai đoạn 2022-2023, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam, đặt trong bối cảnh năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, lạm phát của nước ta có thể vượt qua ngưỡng 5% trong năm này.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, với Việt Nam, gần đây, IMF dự báo lạm phát năm 2022 nước ta tăng 3,9%, tuy rằng năm 2021 lạm phát thấp chỉ 1,84%. Ông Lâm cho rằng một trong những nguyên nhân chủ yếu ở Việt Nam là lạm phát chuỗi cung ứng. Nền sản xuất nước ta phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất từ nước ngoài. Riêng ngành chế biến chế tạo chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu chiếm gần 51% chi phí sản xuất. Giá nguyên vật liệu nhập khẩu về Việt Nam ngày càng tăng do nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc bị gián đoạn - khi quốc gia này thực thi chính sách Zero Covid. “Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tăng lạm phát trong thời gian tới”, ông Lâm khẳng định.
Đánh giá về kinh tế số - một động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam - GS, TS. Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, công bố các kịch bản dự báo tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong giai đoạn 2020 – 2030 tại Việt Nam. Theo đó, kinh tế số có thể đóng góp từ 6,88% đến 16,50% trong 100% tốc độ tăng năng suất lao động tổng thể của cả nền kinh tế trong thập niên này.
“Kinh tế số tác động trực tiếp đến năng suất lao động và tạo ra sự bền vững”, ông Trần Thọ Đạt phát biểu: “Ngành công nghệ thông tin nước ta đang tăng trưởng ở mức 5,5%, tuy cao hơn mức trung bình của thế giới là 4,5% nhưng dư địa không còn nhiều”.
GS. TS. Trần Thọ Đạt cho rằng cần tập trung phát triển nhanh thì có thể đạt được mục tiêu đã đề ra về kinh tế số.
Cũng liên quan đến kinh tế số, TS. Cấn Văn Lực cập nhật dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng GDP năm 2022-2023. Theo đó, ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5,5-6% trong giai đoạn này, ở kịch bản tiêu cực, GDP năm 2022 - 2023 chỉ tăng trưởng 4,5-5%. Các biến số trong 2 kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện Chương trình phòng, chống dịch; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023; và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ chiến sự Nga – Ukraina.
Dự báo bức tranh tăng trưởng các ngành kinh tế năm 2022-2023 nhìn từ chuỗi dữ liệu thực là một nỗ lực rất mới trong các nỗ lực dự báo kinh tế Việt Nam. Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân đã đưa ra một số phân tích và nhận định các nhóm ngành đang hồi phục với thái độ khá lạc quan.
Ông Thuân nói: “Đừng chỉ nhìn vào những biến động về bất động sản hay chứng khoán trong thời gần đây mà có thái độ bi quan. Kinh tế Việt Nam như đứa trẻ 15-16 tuổi đang tràn đầy sức sống, tuy bị vấp ngã nhưng sau khi đứng dậy sẽ chạy rất nhanh”.
Ông Chủ tịch FiinGroup cũng quan tâm nhiều đến lĩnh vực bất động sản bởi theo ông những biến động của thị trường này ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng của GDP. “Theo nghiên cứu mới nhất ở Trung Quốc, khi đầu tư vào bất động sản giảm 7% thì GDP giảm 1%”.
Ông Thuân cũng cho biết sẽ nghiên cứu tỷ lệ trên có đúng với thị trường bất động sản ở Việt Nam hay không?
Tại Diễn đàn, chia sẻ đánh giá về kinh tế Việt Nam, ông Francois Painchaud, Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam và Lào cho rằng, Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính. Các chính sách kinh tế vĩ mô đã giúp giảm bớt tác động của COVID, đặc biệt, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế của Chính phủ được thực hiện một cách thích hợp và kịp thời để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng chung. Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng đều và đang có một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng. Theo ông Francois Painchaud, rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về tăng trưởng chậm lại trong khi rủi ro về lạm phát nghiêng về gia tăng lạm phát. Bên cạnh đó là các rủi ro khác như: việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước…
Ông Francois Painchaud kiến nghị, chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ chính sách, đặc biệt nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực. Ông cũng kiến nghị Việt Nam cần hiện đại hóa chính sách tiền tệ và cần chấm dứt quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời với việc tăng cường giám sát tài chính.
Về bức tranh kinh tế vĩ mô, Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh hơn, với tăng trưởng dự kiến là 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát dự kiến sẽ tăng trong ngắn hạn.
Bên cạnh bức tranh dự báo kinh tế vĩ mô, các diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng thảo luận về triển vọng kinh tế ngành giai đoạn 2022-2023 và xa hơn dựa trên phương pháp phân tích dữ liệu khoa học, để đưa ra những góc nhìn đáng tin cậy cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang quan tâm đến câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam.
Đánh giá về các nghiên cứu tại Diễn dàn sáng nay, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng các nghiên cứu cơ bản đã nhận diện được rủi ro và cơ hội nhưng chưa đi sâu và chưa có giải pháp cụ thể. Theo ông Hiếu cần đẩy nhanh tốc độ thực thi các chính sách và tổ chức thêm các cuộc hội thảo chuyên sâu về cơ hội và rủi ro.
Đề xuất trên của ông Hiếu rất hợp lý bởi nhẽ trước khó khăn rất lớn chúng ta cần có những căn cứ nhất định để lạc quan cho rằng sẽ thực hiện thành công các mục tiêu đề ra? Khi nhìn lại quá khứ, cái mục tiêu không đạt được gần đây nhất là “Đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp”. Không thấy ai nhắc đến điều đó và để rồi lại thấy xuất hiện một mục tiêu nghe rất tham vọng như trở thành nước có thu nhập trung bình cao... Chắc chắn những nhà đề xuất chính sách đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn. Những giải pháp ấy đến từ cải cách pháp chế của nhà nước, đến từ ý kiến đề xuất của doanh nghiệp nhưng thời gian ngắn ngủi của Hội thảo hôm nay không cho phép nhiều doanh nghiệp xuất hiện để đưa ra những ý kiến sát sườn nhất.