Ngày 17/8, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố Báo cáo với nhan đề Khai thác tiềm năng của dữ liệu lớn ở Đông Nam Á sau đại dịch (Harnessing the Potential of Big Data in Post-Pandemic Southeast Asia) nhận thấy rằng các thể chế nhà nước đã chấp nhận dữ liệu lớn do sức mạnh phân tích của nó để biến những tập dữ liệu khổng lồ thành những hiểu biết có khả năng thúc đẩy hành động, có thể giúp họ ứng phó nhanh chóng trước khủng hoảng, cải thiện dịch vụ và tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc trong tương lai.
Theo ADB, dữ liệu lớn có thể cải thiện việc cung cấp các dịch vụ của chính phủ và đẩy nhanh công cuộc phục hồi sau đại dịch COVID-19. Báo cáo ước tính rằng các hệ thống giám sát từ xa có thể giúp tiết kiệm 9,4 tỷ USD cho hệ thống y tế ở Đông Nam Á vào năm 2030 nhờ giảm số lượng người tới bệnh viện, thời gian nằm viện ngắn hơn và giảm thủ tục y tế, trong khi việc sử dụng phân tích để định hướng các can thiệp y tế tập trung cao vào những nhóm dân cư có nguy cơ có thể dẫn tới gia tăng khoảng 15,5 tỷ USD trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) của toàn khu vực vào năm 2030.
Báo cáo cũng nhận thấy rằng việc sử dụng các công nghệ số hóa để cung cấp hoạt động học tập và kết nối việc làm từ xa và cá nhân hóa có thể đóng góp ước tính 77,1 tỷ USD mỗi năm vào GDP của các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2030.
Các công nghệ số hóa đang làm biến đổi nền kinh tế toàn cầu. Báo cáo ước tính rằng chỉ tính riêng ở Đông Nam Á, quy mô của nền kinh tế Internet có thể tăng gấp 3 lần, lên tới 300 tỷ USD vào năm 2025 so với năm 2019.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo rằng, việc khai mở tiềm năng của dữ liệu lớn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công sẽ đòi hỏi các chính phủ phải đặt nền móng kỹ thuật và chiến lược, nhằm tối ưu hóa các cơ hội của dữ liệu lớn và giảm thiểu rủi ro, bao gồm bảo vệ dữ liệu cá nhân, chống gian lận và an ninh mạng.
Theo ông Ramesh Subramaniam, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB, tốc độ số hóa rõ ràng đã được đẩy nhanh trong đại dịch Covid-19, làm nổi bật tầm quan trọng của dữ liệu lớn trong việc cung cấp các dịch vụ công chủ chốt như y tế, phúc lợi, bảo trợ xã hội và giáo dục một cách hiệu quả và hiệu suất.
“Tốc độ số hóa rõ ràng đã được đẩy nhanh trong đại dịch COVID-19, làm nổi bật tầm quan trọng của dữ liệu lớn trong việc cung cấp các dịch vụ công chủ chốt như y tế, phúc lợi và bảo trợ xã hội và giáo dục một cách hiệu quả và hiệu suất. Điều hết sức quan trọng là các nhà hoạch định chính sách trên khắp tiểu vùng cần góp phần mở đường cho việc ứng dụng dữ liệu lớn—từ quản trị chiến lược tới xây dựng văn hóa được định hướng bởi dữ liệu”, ông Ramesh Subramaniam nhấn mạnh.