Theo Bloomberg, Google và Facebook bắt tay nhau đầu tư hệ thống cáp quang biển mới có tên Apricot. Mạng lưới dài 12.000 km sẽ liên kết Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Guam, Philippines và Indonesia, đáp ứng nhu cầu truy cập băng thông rộng và kết nối không dây 5G ngày càng tăng cao trong khu vực.
Nico Roehrich, Giám đốc kỹ thuật của Facebook, cho biết, tuyến cáp này sẽ đáp ứng nhu cầu Internet ngày càng cao, dung lượng lớn hơn và độ tin cậy cao hơn để mở rộng kết nối trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ðây cũng là một phần trong những nỗ lực không ngừng nghỉ của Facebook trong việc mở rộng hạ tầng mạng toàn cầu để phục vụ tốt hơn cho 3,5 tỉ người dùng trên khắp thế giới sử dụng các dịch vụ của Facebook mỗi tháng.
Dự kiến Apricot sẽ chính thức đấu nối vào hệ thống Internet toàn cầu từ năm 2024. Trong bài giới thiệu trên blog công ty, Facebook cho biết tuyến cáp quang này có tốc độ thiết kế ban đầu là 190 terabit/s, đi kèm công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực cáp quang biển.
“Tuyến cáp quang Apricot là một phần trong nỗ lực liên tục của chúng tôi nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng mạng toàn cầu, phục vụ tốt hơn cho 3,5 tỷ người dùng trên khắp thế giới”, Facebook thông tin thêm.
Google cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD vào năm ngoái nhằm mục đích giúp Ấn Độ thúc đẩy quá trình số hóa trong vòng 5 đến 7 năm tới.
Trước đó, Facebook cũng xác nhận đang xây dựng một tuyến cáp khổng lồ dưới biển xung quanh Châu Phi. Sau khi hoàn thành, tuyến cáp này có thể giúp hơn 1,3 tỷ dân của lục địa này kết nối với internet.
Không bên nào tiết lộ bất kỳ chi tiết đầu tư của mình nhưng tuyến cáp 2Africe dưới biển sẽ kết nối 23 quốc gia ở Châu Phi, Trung Đông và Châu Âu. Facebook tuyên bố họ sẽ “cung cấp gần gấp ba lần tổng dung lượng mạng của tất cả các tuyến cáp dưới biển phục vụ Châu Phi hiện nay”.
Một nguồn tin khác cho biết hai tuyến cáp này sẽ mang đến cho các doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp ở châu Á độ trễ thấp hơn, nhiều băng thông hơn và ổn định hơn trong kết nối của họ giữa Ðông Nam Á, Bắc Á và Mỹ.