The New York Times có một thư viện hình ảnh đồ sộ lưu trữ dưới tầng hầm văn phòng Times Square. Chúng nằm đầy trong những ngăn tủ với số lượng lên đến hơn 5 triệu bức ảnh, kèm theo đó là một ít thông tin và thời điểm chúng được xuất bản trên báo, hay các chú thích của tác giả ảnh. Giờ đây với sự giúp sức của công cụ Google AI, tờ báo lâu đời này đã có thể số hóa toàn bộ thư viện khổng lồ được lưu trữ từ năm 1870 này.
Tờ The Verge cho hay, lượng dữ liệu khổng lồ mà The New York Times muốn số hóa lên tới 5 -7 triệu bức ảnh cùng với những câu chuyện đi cùng. "Chúng tôi đang sở hữu một bộ biên niên sử vô giá trong hơn một thế kỷ qua với những sự kiện có tính toàn cầu, góp phần định hình thế giới hiện đại của chúng ta ngày nay", ông Nick Rockwell, giám đốc công nghệ của tờ The New York Times cho hay.
"Đó là một kho tàng nhưng tài liệu rất dễ bị hư hỏng theo thời gian", ông Rockwell cho biết thêm.
Google cho biết tờ New York Times đã sử dụng các công cụ nhận dạng đối tượng của mình để trích xuất nhiều thông tin hơn từ các bức ảnh, giúp họ dễ dàng hơn trong việc lập danh mục và tái sử dụng trong tương lai.
Cụ thể, tờ báo được cấp một công cụ có thể sử dụng các hàm API của Google AI để nhận dạng các hình ảnh được kèm theo (hoặc không) các văn bản như bản in, bản viết tay mô tả cho bức ảnh. Nhờ vậy, Google AI có thể phân loại được các bức ảnh theo nhiều tiêu chí như mức độ giá trị, các nhân vật lịch sử, các chủ đề hay sự kiện tương tự,... Với thư viện rất lớn này thì kho số hóa mà Google AI tạo ra là vô cùng giá trị.
Việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo đang ngày một rộng lớn với nhiều lợi ích. Thực tế nó đang được ứng dụng rất nhiều cho cả những người dùng thông thường. Nếu bạn có sử dụng iPhone bạn sẽ thấy rất rõ điều này.
Thực tế cho thấy, việc lưu giữ bản cứng đòi hỏi khiến các tòa soạn cần có không gian lớn, tìm kiếm rất khó khăn và không lường trước được những rủi ro bất ngờ. Điển hình là vào năm 2015 kho hình ảnh của The New York Times đã may mắn không bị ảnh hưởng bởi lũ.
Google hiện đã phát triển công nghệ scan cả mặt trước lẫn mặt sau, vốn chứa những thông tin liên quan đến bức ảnh được viết bằng tay. Không dừng lại ở đó, việc số hoá hình ảnh cho phép áp dụng công nghệ AI để phân tích các chi tiết để tìm kiếm nguồn gốc cũng như câu chuyện mà bức ảnh thể hiện. Còn đối với đội ngũ phóng viên và biên tập thì việc thống kê sẽ cho phép tìm kiếm nội dung dễ dàng hơn.