Google đã nghiên cứu và phát triển chiếc kính AR trong vài năm nay, tuy nhiên công ty được cho là đã phải gác lại dự án Iris sau làn sóng sa thải nhân viên và cải tổ trong vài tháng qua. Một sự kiện khác dẫn đến quyết định của Google là sự ra đi của Clay Bavor, cựu giám đốc thực tế ảo và thực tế tăng cường của công ty, để thành lập một công ty khởi nghiệp với đồng giám đốc điều hành Salesforce Bret Taylor. Ngoài ra, công ty được cho là đã liên tục thay đổi chiến lược của mình đối với kính Iris, điều này đã trở thành nguồn gây thất vọng cho các thành viên trong nhóm làm việc trong dự án.
Đầu 2022, Google vẫn đang nỗ lực hoàn thiện kính Iris và sẽ ra mắt năm 2024. Sản phẩm được cho là có kiểu dáng giống kính thông thường. Phiên bản đầu tiên được phát triển dựa trên model có tên Focals của North, công ty khởi nghiệp ở Canada được Google mua lại năm 2020.
Mặc dù công ty đã ngừng phát triển phần cứng AR của riêng mình, Business Insider cho biết Google vẫn còn rất nhiều tham vọng lớn trong thị trường thực tế tăng cường.
Khi mô hình phát triển của Project Iris tiếp tục được điều chỉnh nội bộ, có vẻ như Google có xu hướng tạo ra một nền tảng phần mềm tương ứng với các ứng dụng thực tế tăng cường hơn và hy vọng sẽ ủy quyền cho các công ty khác sử dụng so với mô hình phát triển Android, thậm chí có thể lên kế hoạch hợp tác với Samsung để tạo ra một ứng dụng thực tế tăng cường mới.
Google không đưa ra bất kỳ phản hồi nào về báo cáo này, tuy nhiên việc công ty không từ bỏ kế hoạch phát triển thị trường ứng dụng thị giác ảo là một điều không quá bất ngờ.
Trước đó, Google đã mua lại North - một công ty thiết kế giao diện tương tác giữa người và máy tính của Canada - để tạo ra một mô hình tương tác máy tính với môi trường mới. Cùng với đó, Phó chủ tịch cấp cao bộ phận dịch vụ và thiết bị của Google là Rick Osterloh đã xác nhận việc mua lại Raxium - một công ty khởi nghiệp có trụ sở chính tại California chuyên nghiên cứu và phát triển công nghệ Micro LED - nhằm giúp tạo ra một thế hệ thị giác ảo mới cho kính thực tế ảo.
Kính thực tế ảo tăng cường và thực tế hỗn hợp đang là cuộc chơi tốn kém của nhiều ông lớn trong làng công nghệ. Meta chi ít nhất 10 tỷ USD mỗi năm cho các sản phẩm AR và VR trong khi Apple có hàng nghìn nhân viên phụ trách dự án liên quan sản phẩm tương tự. Apple cũng không giấu tham vọng biến Vision Pro thành sản phẩm công nghệ đột phá nhất kể từ sau sự xuất hiện của iPhone.