Bắt đầu từ báo cáo của New York Times tuần trước, vạch trần scandal quấy rối tình dục gây chấn động của người đồng sáng lập Android, ông Andy Rubin. Đồng thời tiết lộ rằng Google đã trả cho ông Rubin số tiền 90 triệu USD để ông này nghỉ việc. Hành động này khiến cho nhân viên của Google rất tức giận, vì một kẻ quấy rối tình dục lại được trả khoản tiền lớn để bồi thường khi nghỉ việc.
Theo những người tổ chức cuộc biểu tình, có hơn 20.000 nhân viên và nhà thầu Google tham gia xuống đường ngày 1/11 để phản đối Google. Đến ngày 30/9/2018, Google có 94.372 nhân viên toàn thời gian và hợp đồng trên khắp thế giới, như vậy có hơn 20% toàn bộ lực lượng lao động đã rời bàn làm việc để biểu tình.
Các nhà tổ chức yêu cầu Google phải công khai cách xử lý các lãnh đạo cấp cao bị cáo buộc quấy rối tình dục cũng như bồi thường xứng đáng cho các nhân viên là nạn nhân. Họ cũng yêu cầu gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm phải trao cho nhân viên nhiều quyền hơn. Tuyên bố này được gửi tới tất cả nhân viên Google trên khắp thế giới cũng như ban giám đốc của công ty.
CEO Sundar Pichai cho biết ông ủng hộ cuộc biểu tình và luôn lắng nghe các nhân viên của mình: “Chúng tôi đã biết hoạt động này sẽ được tổ chức vào thứ 5, và các nhân viên sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết nếu họ muốn tham gia hoạt động”.
Tuy nhiên, những người biểu tình cho rằng đó chỉ là những trường hợp điển hình bị phanh phui. "Còn hàng nghìn kẻ, ở mọi cấp độ khác nhau" cũng có những hành vi sai trái nhưng chưa bị xử lý.
Bên cạnh đó, sự thiếu đa dạng về giới là vấn đề nghiêm trọng trong ngành công nghệ cao nhưng Google trở thành trung tâm của sự chú ý kể từ tháng 8 năm ngoái sau khi một kỹ sư, có tên James Damore, công bố báo cáo gây chấn động về bất bình đẳng giới. Damore sau đó bị sa thải nhưng sự việc dẫn đến tình trạng rối loạn nội bộ của Google cũng như sự thất vọng của nhân viên đối với cách xử lý vấn đề và tuyển dụng của công ty cũng như những vấn đề liên quan tới quấy rối tình dục.
Chủ yếu những người tham gia xuống đường đến từ các văn phòng Google tại Mỹ nhưng nhân viên tại các văn phòng nước ngoài như Úc, Brazil, Canada, Đức, Ấn Độ, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Philippines, Anh, Singapore, Thụy Điển và Thụy Sỹ cũng hưởng ứng. Những người tổ chức sự kiện còn cho biết CEO Google Sundar Pichai đã đồng ý gặp mặt họ vào ngày thứ Hai (5/11) để “đánh giá kế hoạch giải quyết” 5 yêu cầu chính từ nhóm.
Các yêu cầu này bao gồm: cam kết “chấm dứt bất bình đẳng trong trả lương và cơ hội cho mọi người”; công bố báo cáo minh bạch về tấn công tình dịch; quy trình toàn diện để báo cáo hành vi quấy rối tình dục an toàn và ẩn danh; cam kết nâng trách nhiệm của Giám đốc phụ trách Đa dạng nhân viên để báo cáo trực tiếp lên Tổng Giám đốc và đưa khuyến nghị trực tiếp lên Ban Giám đốc; tìm cách chấm dứt các hành vi phân biệt đối xử và quấy rối.
Những người tổ chức sự kiện cũng kêu gọi Google bổ nhiệm một đại diện chính thức vào ban lãnh đạo. Claire Stapleton, một người trong nhóm tổ chức, nói: “Google nổi tiếng vì văn hóa của mình nhưng thực tế, chúng tôi còn không được đáp ứng những điều cơ bản về sự tôn trọng, công bằng cho mọi người tại đây”.
Hình ảnh biểu tình
1 giờ sáng tại Châu Âu, các văn phòng khác của Google cũng bắt đầu tham gia cuộc biểu tình. Bức ảnh được chụp tại Zurich bởi một kỹ sư phần mềm tên là Danila Sinopalnikov.
Một nhân viên Google cầm theo cả loa phóng thanh.
“Cô ấy đang chia sẻ về những chuyện quấy rối tình dục, việc xử lý không hiệu quả và văn hóa công ty xấu xa tại Google”, một kỹ sư bảo mật của Google chia sẻ trên Twitter.
Một Stormtrooper với tấm biển: “Tôi làm việc trên Death Star, nhưng ngay cả tôi cũng biết rằng không nên quấy rối tình dục người khác”.