Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ thu hồi giấy phép phổ tần số ở băng tần 28 GHz đã được cấp cho các nhà khai thác để triển khai 5G, với lý do các nhà mạng di động thiếu nguồn lực đầu tư và không đáp ứng các yêu cầu của chính phủ trong quá trình triển khai mạng di động 5G ở trong băng tần này.
Trước đó, vào tháng 6 năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai cuộc đấu giá phổ tần số cho 5G nhằm mục tiêu thúc đẩy sự đổi mới ngành công nghiệp và dịch vụ dựa trên 5G. Trong cuộc đấu giá này, cả 3 nhà khai thác di động lớn nhất của Hàn Quốc bao gồm SK Telecom, KT Telecom và LG Uplus đều đã giành được quyền sử dụng phổ tần số ở băng tần 3,5 GHz và 28 GHz. Cuộc đấu giá này cũng đã mang về cho ngân sách Chính phủ 2,776 tỷ USD.
Tuy nhiên, các nhà khai thác di động KT Telecom và LG Uplus sẽ mất quyền sử dụng phổ tần số ở băng tần 28 GHz mà họ đã giành được trong cuộc đấu giá phổ tần số vào năm 2018 do không triển khai đủ số lượng trạm gốc như cam kết.
Trong khi đó, nhà khai thác di động lớn nhất Hàn Quốc, SK Telecom được cho phép kéo dài thời hạn đến tháng 5 năm 2023, sau thời điểm này nếu nhà mạng không thực hiện cam kết triển khai 15.000 trạm gốc trong băng tần 28 GHz thì Chính phủ sẽ thu hồi giấy phép như hai nhà mạng trên.
Giải thích về quyết định này, Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc cho rằng, các nhà mạng di động đã hoàn thành số lượng trạm gốc quy định ở băng tần 3,5 GHz (22.500 trạm gốc) nhưng tất cả đều không đạt mục tiêu triển khai được 15.000 trạm gốc ở băng tần 28 GHz trên toàn quốc như cam kết với Chính phủ.
“Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn 3 năm kể từ khi phổ tần số trong băng tần 28 GHz được phân bổ, các trạm gốc ở băng tần 28 GHz do các nhà mạng di động xây dựng chỉ chiếm 10% so với cam kết ban đầu và không có thiết bị đầu cuối điện thoại thông minh nào hỗ trợ băng tần 28 GHz ở Hàn Quốc”, Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc cho biết thêm.
Trên toàn cầu, 5G đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển cả về khía cạnh thị trường và công nghệ. Tuy nhiên, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đã sớm chứng minh được những thành công của mình nhằm mở rộng quy mô và xây dựng một chiến lược quốc gia toàn diện nhằm tối đa hóa sự chuyển đổi tiềm năng của mạng 5G.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, ngay cả ở các quốc gia có ngành công nghiệp di động phát triển, Chính phủ vẫn đóng vai trò rất quan trọng với tư cách là nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái 5G. Chính phủ phải đưa ra các chiến lược rõ ràng và áp dụng một quy trình toàn diện trong việc triển khai mạng di động thế hệ mới.