Trong bối cảnh khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 và làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất về khu vực Đông Nam Á, việc tổ chức Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2020 với mong muốn đón đầu các cơ hội, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, để các doanh nghiệp quảng bá, giới hiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường.
Các doanh nghiệp tham dự hội chợ lần này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng (bao gồm 03 ngành: linh kiện điện - điện tử, linh kiện lắp ráp ô tô, xe máy, xe cơ giới và linh kiện cơ khí chế tạo), công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng, tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.
Thời gian Hội chợ diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/10/2020, tại Trung tâm Xúc tiến Nông nghiệp Hà Nội (489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội).
Trả lời phỏng vấn trực tiếp tại sự kiện, ông Đàm Tiến Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội-cho biết, phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ góp phần quyết định đến hiệu quả, chất lượng và giá thành của sản phẩm. Việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ một cách hợp lý, cân đối trong bối cảnh toàn cầu hóa sẽ tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, hình thành mạng lưới sản xuất với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước.
Bên cạnh đó, nâng cao khả năng sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng, tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế; tạo môi trường gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo cung ứng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất công nghiệp chính.
“Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2020 với mục tiêu kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”, ông Đàm Tiến Thắng nói.
Qua quan sát cho thấy, Hội chợ lần này có ít gian hàng và uy mô nhỏ hơn, các sản phẩm linh kiện trưng bày đặc biệt là các sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài cũng không nhiều như mọi năm. Nguyên nhân có thể hiểu là do tác động của dịch Covid -19 ở các nước trên thế giới đang diễn biến phức tạp nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài như: Nhật Bản, Thái Lan... đã không thể sang Việt Nam trong dịp này.
Buổi chiều diễn ra hội thảo “Tương tác với khách hàng sau triển lãm kỹ năng và kinh nghiệm”. Diễn giả là ông Nguyễn Văn Bá – cố vấn đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp – NC Netwwork Group. Khách đến dự hội thảo ngoài việc có thêm kiến thức kỹ năng về thương mại còn được xem và mua các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản vùng miền được trưng bày ngay trong khu này.
Từ năm 2017, Hội chợ giao thương quốc tế ngành chế tạo (FBC Hà Nội) đã được tổ chức và đã tạo ra được những kết quả tích cực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, tạo ra hơn 3.000 lượt giao thương với giá trị giao dịch ước tính lên đến gần 4,5 triệu USD (năm 2017), gần 4.000 lượt giao thương với giá trị giao dịch ước tính lên đến gần 5 triệu USD (năm 2018). Sự kiện được các doanh nghiệp đánh giá đem lại hiệu quả thực tế cao khi kết hợp giữa hình thức đặt lịch hẹn giao thương trước trên website với trưng bày sản phẩm, linh phụ kiện tại gian hàng, giúp các doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch, chuẩn bị tài liệu, sản phẩm mẫu tham gia Hội chợ, từ đó đạt được các cuộc trao đổi thực chất, có tiềm năng hợp tác cao.