Huawei nhấn mạnh đây là bước đi cần thiết để bảo toàn thương hiệu này trong bối cảnh đang chịu sức ép lớn từ các lệnh trừng phạt của Mỹ trong việc tiếp cận các linh kiện.
Trong tuyên bố của mình, Huawei cho biết hợp đồng chuyển giao gồm 30 đại lý, nhà phân phối và doanh nghiệp vốn phụ thuộc vào thương hiệu điện thoại di động này. Liên doanh sẽ kiểm soát toàn bộ Honor và Huawei không còn liên quan tới mọi hoạt động quản lý hay ra quyết định.
Honor là đối thủ cạnh tranh với những thương hiệu nổi tiếng khác của Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Vivo. Đông Nam Á và châu Âu là những thị trường lớn của Honor bên cạnh thị trường nội địa.
Theo ước tính từ công ty nghiên cứu Canalys, dòng điện thoại Honor chiếm khoảng 26% trong số 55,8 triệu chiếc điện thoại thông minh mà Huawei đã xuất xưởng trong quý 2/2020.
Tuy nhiên, trong năm 2019, lợi nhuận từ việc bán dòng điện thoại này đạt mức rất thấp. Cụ thể, tổng lợi nhuận của Huawei trong năm ngoái đạt mức 70-80 tỷ tệ, nhưng nếu tính riêng lợi nhuận từ việc bán dòng điện thoại Honor thì nó chỉ đem lại khoản lợi nhuận chưa tới 5 tỷ nhân dân tệ.
Về phần mình, công ty mới Thị Trí Thâm Quyến cho biết thương vụ này nhằm giải cứu chuỗi kinh doanh của Honor. Đây là giải pháp tốt nhất để bảo vệ lợi ích cho các khách hàng, nhà cung cấp, nhà phân phối trung gian, các đối tác và người lao động.
Honor là dòng điện thoại được Huawei tung ra với mục đích chủ yếu nhằm vào đối tượng khách hàng trẻ tuổi và thu nhập thấp. Huawei cho biết có hơn 70 triệu chiếc điện thoại Honor được bán ra mỗi năm.
Trong năm qua, hoạt động kinh doanh của Huawei cũng chịu nhiều sức ép do lệnh hạn chế quyền tiếp cận của hãng đối với các sản phẩm phần mềm và công nghệ của Mỹ, cũng như không được tham gia các dự án hạ tầng cơ sở phục vụ mạng không dây thế hệ mới 5G. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Huawei có quan hệ với chính phủ và quân đội Trung Quốc, và các trang thiết bị mà tập đoàn này cài đặt trên khắp thế giới có thể được sử dụng cho các hoạt động tình báo.
Bắc Kinh và Huawei luôn bác bỏ, cho rằng phía Mỹ đưa ra những cáo buộc vô căn cứ. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn tiến hành chiến dịch nhằm ngăn chặn "gã khổng lồ" viễn thông của Trung Quốc này tiếp cận các nguồn cung cấp chất bán dẫn toàn cầu và các linh kiện khác, động thái bị cho là đe dọa "sự sống còn" của Huawei.
"Nếu Honor tách rời khỏi Huawei, thương hiệu này sẽ không còn còn bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm bán linh kiện Mỹ đang áp đặt với Huawei. Điều này sẽ giúp ích cho hoạt động kinh doanh smartphone của Honor và các nhà cung cấp", ông Kuo Ming-Chi, nhà phân tích Công ty chứng khoán TF International Securities, Hong Kong, Trung Quốc nói.
Tuy nhiên, diễn biến đang rất khó lường nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ như hiện nay.