LSự kiện này được Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp điện tử thuộc các khu công nghiệp tại Bắc Ninh nhằm nâng cao trách nhiệm trong lao động của toàn ngành. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Liên minh các Doanh nghiệp điện tử mới thành lập gần đây.
Phát biểu tại buổi tập huấn, bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đã giới thiệu khái quát tình hình ngành điện tử, đồng thời nhận định: “Đây là một trong những ngành thu hút nhiều lao động và ngoại hối nhất tại Việt Nam. Tổng số lao động trong ngành công nghiệp điện tử hiện đã tăng 7 lần trong vòng 8 năm, từ 46.000 lao động năm 2005 thì đến nay đã lên tới con số trên 500.000. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải đảm bảo việc làm bền vững và cải thiện chế độ cho người lao động trong ngành này cần được quan tâm hơn nữa”.
Việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong lao động ngành điện tử không chỉ tạo đà để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường mà còn giúp lao động Việt Nam có thêm cơ hội việc làm, chế độ làm việc được cải thiện, và hưởng đầy đủ quyền lợi của mình.
Buổi tập huấn đã thu được những ý kiến hữu ích từ các nhóm doanh nghiệp tham gia. Ông Hoàng Hà, điều phối viên của tổ chức lao động quốc tế ILO đã bày tỏ rằng ‘được làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp sẽ nắm được những vấn đề rất sát sườn!’.
Trong buổi thảo luận, các kiến nghị của doanh nghiệp tập trung quanh vấn đề làm thêm giờ, chi trả tiền lương và tăng tuổi nghỉ hưu.
“Hầu hết các công nhân đều mong muốn được làm thêm giờ để có thêm thu nhập nhưng quy định hiện tại lại giới hạn thời gian làm thêm của người lao động trong một tháng”, Chị Đỗ Thị Hè, đại diện công ty Ceratech phát biểu.
Một ý kiến khác của anh Thành, đại diện cho Công ty TNHH Điện tử Foster Bắc Ninh về thời hạn thanh toán theo luật quy định đối với công nhân nghỉ việc là sau 7 ngày, điều này gây phiền toái cho doanh nghiệp. Anh Thành đề xuất thời gian thanh toán theo đúng kỳ trả lương cơ bản hàng tháng.
Đối với quy định doanh nghiệp trên 1000 lao động phải có phòng y tế và có bác sỹ phụ trách nhưng các doanh nghiệp đều cho rằng chi phí thuê bác sỹ là quá cao theo ước tính khoảng 50 – 100 triệu/1 tháng là quá khả năng chi trả rất khó thực hiện. Đề xuất kiến nghị phòng y tế chỉ cần thuê y sỹ phụ trách.
Về vấn đề tăng độ tuổi nghỉ hưu, một đại diện của doanh nghiệp tại Bắc Ninh cho rằng, không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với công nhân lao động nặng, những người rất cần nghỉ hưu sớm.
Buổi chiều, Hội thảo trở nên sôi nổi hơn với sự góp mặt của Bà Tống Thị Minh – Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền Lương khi giải đáp và hướng dẫn những chính sách mới về lao động và cách tính tiền lương cho các doanh nghiệp.
Bà Minh cho biết, trong bối cảnh hiện nay đặt ra những vấn đề rất lớn về chính sách phát triển nguồn nhân lực nói chung và lao động, tiền lương, quan hệ lao động nói riêng đòi hỏi phải có những nghiên cứu hết sức bài bản, toàn diện, đề xuất mang tính chiến lược định hướng cho sự nghiệp phát triển về lao động của doanh nghiệp.
Trong công tác quản lý nhà nước về lao động, tiền lương bà Minh khẳng định có sự chuyển biến rõ rệt, tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, tiền lương của các doanh nghiệp có xu hướng giảm; tiền lương, thu nhập của người lao động tăng so với những năm trước. “Chính sách lao động, tiền lương được hoàn thiện hơn theo nguyên tắc thị trường”.
Kết thúc buổi tập huấn, sau khi giải đáp và tập hợp các kiến nghị, Liên minh các Doanh nghiệp ngành điện tử sẽ tiếp tục kiến nghị các vấn đề doanh nghiệp đề xuất như: tăng thời gian làm thêm cho công nhân, đáp ứng được nhu cầu tăng thu nhập chính đáng của họ cũng như của tăng sản lượng của doanh nghiệp; Kiến nghị giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như trước đây đối với công nhân thuộc nhóm lao động nặng (nữ 55 - nam 60 tuổi); Tổ chức thường xuyên các đối thoại về Trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo trong Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính Phủ.