LG Display dự kiến cung cấp hai triệu tấm nền OLED cho TV cao cấp của Samsung Electronic, theo Reuters.
Thương vụ có thể được tiến hành trong quý II/2023, giúp LG Display có thêm khoản lợi nhuận lớn thay vì chịu lỗ như hiện nay. Trong năm 2024, nhà sản xuất màn hình sẽ cung cấp hai triệu tấm nền, sau đó tăng sản lượng lên 3-5 triệu vào những năm tiếp theo. Lô hàng đầu tiên sẽ là các tấm nền OLED trắng dành cho TV 77 và 83 inch.
Thỏa thuận cho thấy Samsung đang tìm kiếm phương án mở rộng sản phẩm TV OLED cao cấp, trong bối cảnh phân khúc tầm thấp phải cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ Trung Quốc. Mỗi tấm nền OLED có giá cao gấp năm lần LCD. Thương vụ cũng được cho là sẽ giúp Samsung vượt qua Sony, trở thành nhà sản xuất TV với màn hình OLED lớn thứ hai thế giới.
Hiện tại, Samsung đang tìm cách “câu” thêm thời gian để công nghệ microLED trưởng thành và sẽ tìm cách phủ thị trường cao cấp bằng TV OLED. Và công ty đã nhờ đến LG để đạt được điều này.
Theo Reuters, Samsung và LG đã đạt được thỏa thuận. Trong đó, LG sẽ cung cấp 2 triệu màn hình OLED cao cấp 77 và 83 inch vào năm 2024, 3 triệu màn hình vào năm 2025 và 5 triệu màn hình vào năm 2026. Hiện tại, khoảng 50% thị trường TV OLED do LG nắm giữ, Sony chỉ chiếm 26%. Và Sony cũng lấy màn hình từ LG.
Đối với LG, đây sẽ là thương vụ rất quan trọng, cho phép các nhà máy sản xuất tấm nền OLED hoạt động hết công suất và từ đó tối ưu kinh doanh. LG Display hiện cung cấp tấm nền OLED cho LG Electronics và Sony, cũng như tấm nền OLED cỡ nhỏ như trên iPhone cho Apple. Hiện Samsung chiếm khoảng 6% thị phần TV OLED trong khi LG là 54,6% và Sony là 26,1%. Thị trường TV OLED toàn cầu được dự đoán tăng lên thành 11,7 tỉ USD trong năm nay.
Một phần lý do khiến Samsung thực hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong chiến lược của mình là do sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu Trung Quốc trong phân khúc TV LCD cùng với doanh thu Quý 1/2023 không mấy khả quan.
Samsung Electronics là hãng sản xuất TV lớn nhất thế giới, nhưng chậm chuyển đổi sang công nghệ OLED so với đối thủ LG Electronics. Năm 2017, họ đánh giá OLED đắt đỏ, chỉ phù hợp với thiết bị kích cỡ nhỏ và có vòng đời ngắn như smartphone và tablet, do màn hình này dễ bị "burn-in" (lưu hình). Trong khi đó, TV là thiết bị điển hình cho việc màn hình luôn bật thời gian dài. Samsung theo đuổi TV QLED (công nghệ LED với chấm lượng tử Quantum Dot) và "nhường sân" TV OLED cho đối thủ đồng hương LG. Đến cuối năm ngoái, Samsung mới chính thức gia nhập thị trường TV OLED với phiên bản S95B.
Thỏa thuận cung cấp hai triệu tấm nền OLED có thể mang về 1,5 tỷ USD cho LG Display, tương đương 20-30% tổng sản lượng tấm OLED cỡ lớn của hãng, thúc đẩy dây chuyền sản xuất vận hành hết công suất.