Trong nhiều năm trở lại đây, lương tối thiểu vùng đều đặn tăng hàng năm. Năm 2019 cũng được đánh giá là năm có nhiều khởi sắc về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó ước tính GDP tăng khoảng 7%, năng suất lao động tăng khoảng 5%, CPI tăng khoảng 4%. Chính vì thế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2020 với 2 phương án:
- Phương án 1: Tăng 8,1% so với mức lương năm 2019; tương đương 180.000 đồng - 380.000 đồng, tùy từng vùng;
- Phương án 2: Tăng 7,06% so với mức lương năm 2019; tương đương 160.000 đồng - 330.000 đồng, tùy từng vùng.
Trong khi đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia lại đưa ra 03 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 có phần khiêm tốn hơn:
- Phương án 1: Tăng 4% so với mức lương năm 2019, tương đương 70.000 đồng - 170.000 đồng, tùy từng vùng;
- Phương án 2: Tăng 4,9% so với mức lương năm 2019, tương đương 120.000 đồng - 200.000 đồng, tùy từng vùng;
- Phương án 3: Tăng 6% so với mức lương năm 2019, tương đương 140.000 đồng - 240.000 đồng, tùy từng vùng.
Ông Hoàng Quang Phòng - phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất lương tối thiểu vùng năm 2020 giữ nguyên như hiện hành, không cần tăng để “giữ sức cho doanh nghiệp”, tăng khả năng cạnh tranh.
Hiện nay, theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng được Chính phủ ấn định như sau:
+ Mức 4,18 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;
+ Mức 3,71 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;
+ Mức 3,25 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;
+ Mức 2,92 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Được biết, để đi đến thống nhất về việc tăng lương tối thiểu vùng 2020, Hội đồng Tiền lương quốc gia tiếp tục họp thêm 02 phiên họp nữa để đưa ra quyết định phù hợp với người lao động cũng như với doanh nghiệp.