Mới đây, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) cho biết, đã thu thập thông tin từ các bên và mở cuộc điều tra nhắm vào Microsoft. CMA lo ngại với khoản tiền 10 tỷ USD, hãng phần mềm lớn nhất thế giới sẽ biến việc đầu tư cho OpenAI thành một thương vụ sáp nhập, từ đó tác động tiêu cực tới sự phát triển lĩnh vực AI tại Anh.
CMA cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại cả cơ hội và rủi ro cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng. Cơ quan này đồng thời nhấn mạnh cần có sự cạnh tranh bền vững giữa những công ty tham gia lĩnh vực này.
Đáp lại, Microsoft tuyên bố, mối quan hệ của họ với OpenAI không những không phải nhằm mục đích độc quyền, mà còn giúp tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực AI, “đồng thời duy trì sự độc lập cho cả hai công ty”.
Chủ tịch Microsoft Brad Smith khẳng định, hai công ty đã xây dựng mối quan hệ đối tác kể từ năm 2019, song vẫn duy trì sự độc lập. Điều duy nhất đã thay đổi là Microsoft giờ đây sẽ có một giám sát viên không có quyền bỏ phiếu trong HĐQT của OpenAI.
Microsoft khẳng định, sẽ hợp tác chặt chẽ với CMA để cung cấp tất cả những thông tin phục vụ cho quá trình điều tra.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi nội bộ OpenAI rơi vào tình trạng hỗn loạn vì CEO Sam Altman rời đi rồi quay trở lại ngay sau đó. Mối lo của CMA tăng lên khi Microsoft tham gia HĐQT OpenAI từ cuối tháng 11.
Còn về phần nhà quản lý thị trường tại Mỹ, FTC hiện giờ chưa chính thức tuyên bố mở cuộc điều tra Microsoft và OpenAI. Tuy nhiên, cũng đang xác định mối quan hệ giữa hai công ty có vi phạm luật chống độc quyền hay không.
Kể từ 2019, Microsoft đã rót lượng tiền khổng lồ vào OpenAI và hưởng lợi nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo trong nhiều hoạt động kinh doanh cốt lõi. Bước đi này đưa Microsoft lên vị trí dẫn đầu về AI, đẩy các đối thủ vào trạng thái bám đuổi, nhưng cũng khiến công ty công nghệ gặp trở ngại với cơ quan quản lý.
Với khoản đầu tư, đi kèm theo đó là quyền ứng dụng những mô hình như GPT-4 trên hệ thống máy chủ đám mây Azure, phục vụ những giải pháp như Bing Chat hay Copilot hoàn toàn có khả năng thay đổi Microsoft, nhất là khả năng cạnh tranh trên thị trường dịch vụ trực tuyến. Microsoft được hầu hết mọi người biết đến với cương vị một nhà phát triển phần mềm, với hệ điều hành máy tính phổ biến nhất thế giới. Nhưng những năm gần đây, họ đã trở thành một trong những cái tên dẫn đầu thị trường điện toán đám mây. Với vị thế như vậy, Microsoft sẽ muốn dịch vụ Azure của họ tận dụng đến mức tối đa sức mạnh của những thuật toán từ OpenAI.
Microsoft không sở hữu cổ phần trong OpenAI, nhưng hưởng một phần lợi nhuận từ kết quả kinh doanh. Trước đó, tập đoàn này không công khai khoản đầu tư hơn 10 tỷ USD với chính phủ vì OpenAI ban đầu là dự án phi lợi nhuận. Theo luật Mỹ, việc rót vốn hoặc mua lại tổ chức dạng này không cần báo cáo bất kể quy mô giao dịch.
Trong khi đó, OpenAI khẳng định việc hợp tác với Microsoft giúp công ty theo đuổi nghiên cứu AI an toàn và có lợi cho người dùng. Đại diện Microsoft không có quyền quản lý hay kiểm soát hoạt động của OpenAI. Trong khi đó, CMA cho biết sẽ xem xét để đánh giá cán cân quyền lực thực sự giữa hai bên.
Theo nhà phân tích chống độc quyền Jennifer Rie, dù không được phép ra quyết định, Microsoft vẫn có lợi thế khi nắm rõ thông tin về OpenAI nhờ có ghế trong hội đồng quản trị. Nếu muốn chi phối, họ có thể ngăn OpenAI hợp tác với công ty đối thủ, hoặc cắt giảm khoản tài trợ cho hoạt động nghiên cứu.
Nhiều chuyên gia cũng tin giữa Microsoft và OpenAI tồn tại mối quan hệ đáng ngờ. Satya Nadella, CEO Microsoft, đóng vai trung gian đàm phán đưa Sam Altman trở lại. Thậm chí, ông từng đề nghị tuyển dụng Altman và nhiều thành viên khác của OpenAI.
"Các công ty lớn đang lợi dụng thỏa thuận hợp tác để vô hiệu hóa đối thủ tiềm năng trong lĩnh vực AI. Các cơ quan chống độc quyền cần nhanh chóng điều tra những giao dịch đáng ngờ và loại bỏ chúng nếu cần thiết", Max von Thun, Giám đốc Viện Thị trường Mở châu Âu, nói.