Cambridge Analytica bị cáo buộc sử dụng trái phép dữ liệu của 87 triệu người dùng mạng xã hội Facebook để phục vụ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của tỷ phú Donald Trump hồi năm 2016. Không chỉ Mỹ, giới chức châu Âu cũng đã tiến hành một loạt cuộc điều tra đối với công ty này.
Cambridge Analytica được thành lập năm 2013, ban đầu tập trung vào các cuộc bầu cử tại Mỹ, với nguồn tài trợ 15 triệu USD đến từ tỷ phú người Mỹ Robert Mercer.
Ngày 2/5 vừa qua, Cambridge Analytica đã thông báo ngừng hoạt động và đệ đơn xin phá sản ở Anh và Mỹ do không thể khôi phục hoạt động như cũ.
Báo New York Times ngày 15/5 đưa tin các công tố viên yêu cầu thẩm vấn các nhân viên cũ của Cambridge Analytica cũng như những ngân hàng thực hiện các vụ giao dịch của công ty này.
Cambridge Analytica tuyên bố họ đã trở thành chủ đề của nhiều cáo buộc vô căn cứ", gây ảnh hưởng đáng kể "đến các hoạt động hợp pháp của công ty này trên cả lĩnh vực chính trị lẫn thương mại". công ty này khẳng định các nhân viên của mình đã xử lý dữ liệu một cách hợp pháp, song sức ép từ giới truyền thông đã khiến hầu hết các khách hàng và nhà cung cấp quay lưng lại với công ty này.
Cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ và FBI sẽ tập trung vào các thỏa thuận tài chính của Cambridge Analytica và cách thức doanh nghiệp này lấy và sử dụng thông tin cá nhân thu được từ Facebook và các nguồn khác. Các nhà điều tra cũng đã liên hệ với Facebook về vụ việc này.
Hiện FBI, Bộ Tư pháp Mỹ và Facebook đều từ chối bình luận về vụ điều tra. Trong khi đó, các cựu lãnh đạo của Cambridge Analytica cũng chưa thể liên hệ để bình luận.