Nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu chững lại và ghi nhận số lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Trước tình trạng đó, Chính phủ thời gian qua đã liên tiếp có những động thái chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nhằm tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản Việt Nam.
Trên thực tế, thời gian qua, nhằm lành mạnh hóa thị trường bất động sản Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp ngắn, trung và dài hạn.
Cụ thể, trong 3 ngày liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản gồm: Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 "về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế"; Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 "về thị trường trái phiếu doanh nghiệp"; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 "về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở".
Bên cạnh đó, năm 2023 là năm Quốc hội thông qua các đạo luật cơ bản liên quan đến thị trường bất động sản: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… sẽ giúp tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt pháp lý, thị trường có nhiều cơ hội để phát triển theo đúng chu kỳ.
Đồng thời là hàng loạt các công điện gửi đến các bộ ngành như Bộ Tài chính để yêu cầu xem xét các vấn đề đang tạo điểm nghẽn cho thị trường, cho doanh nghiệp như tín dụng, phát hành trái phiếu...
Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng bày tỏ, "Những động thái trên của Chính phủ không chỉ góp phần "phá băng" thị trường bất động sản, giúp bất động sản thanh khoản trở lại, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, mà còn hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, giúp người lao động có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng hơn trong thời gian tới đây…”
Luồng tiền bất động sản có nhiều tín hiệu tích cực
Đánh giá về triển vọng luồng tiền ngành bất động sản trong năm 2023, PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương xem xét trên 10 bình diện luồng tiền và nhận thấy những tín hiệu tích cực là chủ đạo.
Ông đánh giá, luồng tiền thứ nhất là tín dụng năm 2023 sẽ tốt hơn năm nay nhờ quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023.
Luồng tiền thứ hai là chứng khoán đã có xu hướng tăng. Đặt khả năng nếu chứng khoán tăng đến mức 1.300 - 1.400 sẽ có một lượng tiền lớn đi vào nền kinh tế và bất động sản.
Luồng tiền thứ ba trái phiếu dần phục hồi, năm 2023 có khoảng hơn 6 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn nhưng với các phản ứng chính sách đã được đưa ra, vấn đề này được kiểm soát.
Luồng tiền thứ tư là nguồn vốn đầu tư nước ngoài có nhiều triển vọng gia tăng. Hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ 2 trong nhóm các thị trường mới nổi. Lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.
Luồng tiền thứ năm là kiều hối vẫn đang rất ổn định. Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hồi lớn nhất thế giới, trong đó ước tính 25% kiều hối đầu tư vào bất động sản nói chung.
Luồng tiền thứ sáu là các nhà đầu tư tiềm năng không hạn chế khi có cơ hội sẽ đầu tư ngay với tâm lý không có ngoại lệ là có tích luỹ sẽ đầu tư đất đai, nhà ở.
Các luồng tiền còn lại ở mức ổn định như các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vượt qua thời điểm khó khăn; M&A tiếp tục tăng; những nhà đầu tư chiến lược mới xuất hiện có thể xem như sếu đầu đàn thay đổi cục diện của một địa phương, một vùng kinh tế…
Trước những triển vọng tích cực, để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển, PGS.TS Trần Kim Chung kiến nghị một số giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản; hoàn thiện các chỉ báo thị trường bất động sản như chỉ số giá đất, chỉ số giá nhà, chỉ số thị trường nhà…; tăng cường minh bạch thị trường, huy động các nguồn lực tiềm năng các doanh nghiệp phát triển bất động sản cần hướng đến tính chuyên nghiệp…