Dự kiến có hiệu lực vào ngày 1-7-2020, luật mới nói trên được xem là một bước đi nhằm giúp các công ty công nghệ thông tin Nga cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, đồng thời giúp người tiêu dùng không cần phải tải phần mềm sau khi mua thiết bị mới. Dù vậy, một số nhà bán lẻ điện tử tỏ thái độ không hài lòng vì cho rằng luật trên được thông qua mà không có sự tham vấn nào với họ. Theo trang tin Meduza, những công ty không tuân thủ quy định sẽ bị phạt 200.000 rúp (gần 73 triệu đồng).
Theo Reuters, thị trường điện thoại di động Nga đang chịu sự thống trị của các công ty nước ngoài, trong đó có Apple (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc) và Huawei (Trung Quốc). Đáng chú ý, hãng Apple, nhà sản xuất điện thoại iPhone, từng dọa rút khỏi thị trường Nga nếu bị buộc cài đặt sẵn ứng dụng của bên thứ ba trên thiết bị của mình.
Khi đạo luật được thông qua, những “người khổng lồ” Internet Nga như Yandex, Mail.ru, và VKontakte bày tỏ sự ủng hộ nhưng loạt ông lớn công nghệ nước ngoài như Apple, Samsung và Huawei lại không hào hứng. Trước đó, giới chuyên gia cảnh báo Tập đoàn công nghệ Mỹ Apple có thể buộc phải rời bỏ thị trường béo bở 3 tỷ USD của Nga khi luật mới được thông qua. Hiện tại, quy tắc của Apple là chỉ cài đặt các ứng dụng và hệ điều hành iOS do chính tập đoàn này phát triển trên các thiết bị điện tử, bất kể thiết bị điện tử đó hoạt động tại quốc gia nào. Apple đang là hãng có thị phần lớn thứ ba (15,83%) trên thị trường di động của Nga, xếp sau Samsung (22,04%) và Huawei (15,99%).
Một nguồn giấu tên từ Apple cho biết: “Việc thêm các ứng dụng bên thứ ba vào hệ sinh thái của Apple giống như việc mở khóa. Nó sẽ đặt ra một mối đe dọa an ninh, và công ty không thể chịu đựng được rủi ro đó”.
Trong 5 năm qua, điện Kremlin đã tăng cường thắt chặt các quy định Internet nhằm mục đích chống khủng bố và lan truyền thông tin giả. Đạo luật mới được đưa ra chỉ vài tuần sau khi chính phủ Nga ban hành luật “Internet có chủ quyền” như chiến lược phòng thủ trên không gian mạng.
Theo đạo luật nói trên, Cơ quan Giám sát mạng viễn thông, công nghệ thông tin Roskomnadzor chịu trách nhiệm thực hiện vận hành tập trung toàn bộ mạng viễn thông nếu xảy ra bất kỳ nguy cơ đối với hoạt động của mạng InternetNga.
Các biện pháp này bao gồm việc thiết lập một hệ thống định tuyến Internet toàn quốc thông qua các máy chủ trong nước và ngăn ngừa nguy cơ bị ngắt kết nối của Nga với mạng Internet toàn cầu.
Không chỉ có vậy, dự luật cũng làm dấy lên lo ngại rằng Nga có thể sử dụng các ứng dụng để do thám công dân của mình. Nga gần đây đã thông qua một “luật internet có chủ quyền”, cho phép chính phủ có quyền chặn truy cập vào nội dung web trong mọi tình huống mà họ cho là “khẩn cấp”.
Tổ chức theo dõi nhân quyền cho biết dự luật chặn internet là một tin xấu đối với Nga và tạo tiền lệ nguy hiểm cho các quốc gia khác.