Điều tra trên YouTube, BBC nói rằng phát hiện hơn 80 video chứa thông tin sai lệch về sức khỏe, cụ thể là những video giới thiệu phương pháp chữa ung thư. Mười trong số các video này có hơn một triệu lượt người xem, và thu hút được nhiều quảng cáo.
Các clip này được giới thiệu bằng những phiên bản ngôn ngữ khác nhau như: tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga, tiếng Ả-Rập, tiếng Ba Tư, tiếng Hindi, tiếng Đức, tiếng Ukraina, tiếng Pháp và tiếng Ý về các video có nội dung trên.
Tatyana Efimova - YouTuber người Nga đăng video dạy chữa ung thư bằng baking soda, nói rõ trong video rằng bà không phải bác sĩ. Khi được hỏi, bà cho biết mình chỉ chia sẻ lại câu chuyện từ người quen, chấp nhận xóa video ngay sau đó.
Elizeu Correia - một YouTuber người Brazil, cho biết video chữa ung thư bằng trà đắng của ôn
g "không gây hại gì", sau đó chỉnh video về chế độ riêng tư.
Đại diện YouTube từ chối bình luận vụ việc, chỉ cho biết: "Ngăn chặn video sai lệch thông tin là thách thức lớn. Chúng tôi đã có vài giải pháp như hiển thị thông tin xác thực về các video sức khỏe, xóa quảng cáo khỏi video tuyên truyền thông tin giả".
"Tuy chưa hoàn hảo, thuật toán của chúng tôi đang hoạt động nhằm hướng người dùng đến các thông tin chính thống. Chúng tôi sẽ liên tục cải thiện thuật toán trong thời gian tới", người này khẳng định.
Xuất hiện trong các video clip “chữa ung thư” là những mẫu quảng cáo cho các thương hiệu nổi tiếng như Samsung, Heinz và Clinique. BBC cho rằng YouTube hay công ty thuộc sở hữu kênh này là Google cũng như các nhà sản xuất video đều kiếm khá nhiều tiền từ các clip không đúng sự thật.
"Một số thông tin trên YouTube và internet thực sự rất nguy hiểm và không được sàng lọc", Giáo sư Justin Stebbing, chuyên gia ung thư hàng đầu tại Đại học Hoàng gia London, nhận xét.
Các chuyên gia cũng chỉ ra những nguy hiểm của thông tin do người dùng tạo ra trên mạng xã hội như YouTube, đó là phần nhiều chúng được giới thiệu không dựa trên nền tảng y khoa nào.
Đây không phải lần đầu các video chứa thông tin sai lệch về sức khỏe xuất hiện và kiếm tiền từ YouTube. Hồi tháng 5, Business Insider đã tìm thấy hàng loạt video dạy cách chữa tự kỷ bằng MMS (dung dịch chất khoáng thần kỳ) chứa chất tẩy công nghiệp, thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube.