Sự phát triển của Thương mại điện tử trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã làm thay đổi cách thức kinh doanh, giao dịch truyền thống và đem lại những lợi ích to lớn cho xã hội. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng phải thừa nhận rằng những rủi ro gặp phải trong quá trình giao dịch, kinh doanh trên mạng là hiện thực và việc này đòi hỏi phải có các giải pháp không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn cần phải hình thành được một cơ sở pháp lý đầy đủ.
Nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những quy định cảu pháp luật khi kinh doanh trên mạng, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (Vinexad) tổ chức hội thảo “Thương mại điện tử và những vấn đề pháp lý quan trọng”. Sự kiện thu hút đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, các hiệp hội thương mại và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp tham gia.
Bình luận về những vấn đề liên quan tới thương mại điện tử và xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế số ở Việt Nam, ông Phạm Ngọc Vinh, đại diện Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cho hay, theo chủ trương của Nhà nước, đến năm 2025, 55% dân số Việt Nam sẽ tham gia thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến; 40% doanh nghiệp sẽ hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 70% các giao dịch trên các website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 70% dịch vụ điện, nước, viễn thông - truyền thông sẽ được triển khai bằng hợp đồng điện tử và trong tổng mức bán lẻ hàng hóa/doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ có 10% là doanh số đóng góp từ thương mại điện tử...
Chính phủ đã xây dựng và đang triển khai đề án Chuyển đối số quốc gia với mục tiêu tới năm 2025, theo đó sẽ có 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chuyển sang nền tảng kỹ thuật số và có ít nhất 80 nghìn doanh nghiệp công nghệ số phát triển ở giai đoạn này.
Với xu thế chiếm lĩnh của công nghệ trong kỷ nguyên số hóa và làm biến đổi các kết cấu hạ tầng xã hội ông Vinh khẳng định, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước cần làm chủ nhiều kênh tương tác khác nhau và lựa chọn các đối tượng phục vụ cho riêng mình, bởi thương mại điện tử và Internet sẽ làm thay đổi toàn diện các phương thức hoạt động kinh doanh, kéo theo cả sự thay đổi về các phương thức quản lý của Nhà nước trong thời gian tới.
Theo báo cáo của một số tổ chức, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đang tăng trưởng ở mức 49% và quy mô thị trường dự đoán đạt 23 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường TMĐT ở Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao trong thời gian tới. Khi đó Việt Nam sẽ trở thành nước có quy mô TMĐT lớn thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia (82 tỷ USD). TMĐT tại Việt Nam hiện đang trong giai đoạn bùng nổ với tăng trưởng hàng năm ở mức rất cao nhưng đi kèm sẽ vẫn còn rất nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Nhận diện những rủi ro về vấn đề pháp lý trong giao dịch thương mại điện tử, ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, đó là sự thiếu nhất quán trong quy định đối với thông điệp dữ liệu định dạng; Thiếu quy định về xác thực danh tính điện tử; hay sự chưa rõ ràng về giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ và tính pháp lý; thiếu quy định về giao kết và hợp đồng điện tử…
Trong mối quan hệ giao dịch giữa nhà cung cấp, người tiêu dùng và sàn thương mại điện tử cũng thường phát sinh các rủi ro về thông tin, về chất lượng hàng hóa, về thanh toán hay quảng cáo khuyến mại, không kiểm soát được số lượng, chất lượng hàng hóa khi sàn thương mại điện tử cung cấp tới người tiêu dùng hay khả năng liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp hàng hóa sai sót, lỗi trong quá trình giao dịch giữa sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng.
Đề cập tới các phương thức xử lý khi gặp rủi ro trong thương mại điện tử, ông Đạt khuyến nghị, nên có sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian để hỗ trợ các bên liên quan tìm phương án giải quyết. Như vậy sẽ đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả; sự bảo mật về thông tin của doanh nghiệp và tính linh hoạt đối với các tranh chấp về thương mại điện tử. Với sự hỗ trợ của hòa giải thương mại, tỷ lệ tự nguyện thi hành kết quả hòa giải thành thường đạt mức gần 90%.
Ông Nguyễn Quang Thuật – Phó TGĐ công ty cổ phần công nghệ Sendo cho hay, với sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương, Sendo đã hợp tác chuyển đổi số để xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nhiều địa phương trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí phân phối so với kênh truyền thống trên toàn quốc; hỗ trợ truyền thông thương hiệu; hỗ trợ vận hành thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ AI để tối ưu doanh số cho doanh nghiệp. Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp từ những sự cố phát sinh, Sendo đã tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết khiếu nại trong vòng 24 giờ với nhiều trường hợp liên quan tới xử lý đơn hàng, vận chuyển, thanh toán tiền hàng hay những vấn đề khác phát sinh giữa người bán, người mua, đối tác vận chuyển và kể cả Sendo.
Đối với hoạt động có yếu tố thương mại điện tử xuyên biên giới, các cơ quan quản lý cần nắm vững cơ chế hoạt động của các nền tàng mạng xã hội xuyên biên giới để xây dựng các quy định quản lý hoạt động của các nền tảng này một cách hiệu quả, hợp lý và khả thi.