Những ngày đầu, nhà máy chế tạo chất bán dẫn khổng lồ của Samsung trông có vẻ như khá lạc lõng ở Pyeongtaek, nơi cách đây không lâu được biết đến nhiều hơn với những đồng cỏ rộng lớn và doanh trại từng là nơi trú ngụ của hàng nghìn lính Mỹ. Tuy nhiên, thành phố cách thủ đô Seoul 50 km về phía nam này đã nhanh chóng phát triển thành trung tâm công nghệ cao của Hàn Quốc chỉ trong một thập niên.
“Cách đây 10 năm, nơi này từng là một đồng cỏ bốc mùi hôi thối. Tôi không nghĩ họ sẽ xây dựng những tòa nhà khổng lồ như vậy ở đây”, Kang Yong-ho, một tài xế taxi, nói với Nikkei.
Hiện tại, Pyeongtaek đang trong quá trình xây dựng phần thứ ba của nơi sẽ trở thành khu phức hợp sản xuất chip bao gồm sáu tòa nhà. Những tòa nhà đã hoàn thành, có chiều cao 83 mét và ngang 500 mét, được làm nổi bật với mô hình khối ba màu. Dự án lớn này đã khiến bất động sản nơi đây bùng nổ chưa từng thấy. “Chung cư nối tiếp nhau tăng giá và tôi cũng ngày càng có nhiều khách hàng hơn”, ông Kang nói.
Pyeongtaek từng chủ yếu được biết đến là thị trấn quân sự. Nhờ hợp tác với kế hoạch tái định cư, Pyeongtaek đã nhận được quỹ tái phát triển hào phóng từ chính phủ để tài trợ cho một dự án phát triển đô thị trị giá 816.000 tỉ won (khoảng 7,2 tỉ USD), bắt đầu được thực hiện vào năm 2006. Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 59.000 hộ gia đình được kêu gọi chuyển đến sống trong khu vực, và sẽ có 13 trường tiểu học mới phục vụ cư dân. Hiện dự án đã hoàn thiện khoảng 60%.
Theo ước tính từ Pyeongtaek, mỗi trung tâm sản xuất chip của Samsung sẽ tạo ra khoảng 20.000 việc làm. Mỗi tháng có hơn 1.000 người chuyển đến thành phố này và dân số đã tăng 30% trong một thập niên lên 540.000 người. Dân số dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào thời điểm dự án tái phát triển hoàn thành. “Việc đưa Samsung vào làm tăng số thuế thu được lên toàn bộ”, một quan chức thành phố tiết lộ.
Nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Chất bán dẫn chiếm một phần năm tổng số hàng xuất khẩu, đứng ở vị trí hàng đầu so với tất cả các sản phẩm khác. Bởi vì chất bán dẫn là động lực kinh tế chủ chốt, nên chính phủ đã rất hào phóng hỗ trợ. Trong chuyến thăm Pyeongtaek hồi tháng trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nói về tham vọng biến nước này thành “cường quốc bán dẫn”. Kế hoạch của ông Moon Jae-in bao gồm việc khấu trừ thuế cho các khoản đầu tư vốn và nghiên cứu chất bán dẫn, cung cấp chương trình cho vay lãi suất thấp mới hơn 1.000 tỉ won và đảm bảo nguồn cung cấp điện nước. Nhiều trường đại học quốc gia cũng sẽ giảng dạy chuyên ngành trong các lĩnh vực liên quan, với mục tiêu đào tạo 36.000 chuyên gia bán dẫn trong vòng 10 năm tới.
Theo Nikkei, Pyeongtaek là trung tâm sản xuất chip thứ ba của Samsung tại Hàn Quốc, sau Giheung và Hwaseong. Tập đoàn công nghệ khổng lồ có kế hoạch chi phần lớn trong số hơn 25 tỉ USD đầu tư hằng năm tại Pyeongtaek để tăng cường năng lực cho chip nhớ. Samsung đặc biệt quan tâm đến thiết lập khả năng sản xuất hàng loạt cho các chất bán dẫn tiên tiến, một lĩnh vực mà công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hãng bán dẫn Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC).
Samsung coi cơ sở Hwaseong là trung tâm chỉ huy nghiên cứu - phát triển và nhà máy Pyeongtaek là trung tâm sản xuất chip tiên tiến. Ngoài ra, Samsung còn vận hành các nhà máy ở Tây An (Trung Quốc) và Austin (Mỹ), đầu tư vào cả hai nước trong nỗ lực điều hướng sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa các quốc gia.
Trong mối quan hệ với chính phủ, Samsung đang nỗ lực thực hiện từng bước đi đặc biệt. Ngay sau khi ông Moon Jae-in tiết lộ kế hoạch của mình với ngành công nghiệp bán dẫn, Samsung cũng công bố 38.000 tỉ won vào các khoản đầu tư mới trong nước. Một tuần sau, hãng này tuyên bố chi 17 tỉ USD để xây dựng nhà máy mới ở Mỹ, ngay trước khi ông Moon Jae-in có cuộc gặp chính thức với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cả hai thông báo đều mang lại cho ông Moon Jae-in sự thúc đẩy chính trị lớn vào thời điểm quan trọng.
Việc đáp ứng kỳ vọng của chính phủ rất quan trọng đối với Samsung khi công ty đang tìm kiếm khả năng ân xá cho “thái tử” Lee Jae-jong, người giữ chức Phó chủ tịch Samsung Electronics, hiện ngồi tù vì tội hối lộ cựu Tổng thống Park Geun-hye. Nikkei dẫn nguồn thạo tin cho biết, các nhóm vận động hành lang kinh doanh đã gửi một tuyên bố chung tới Nhà Xanh để đề nghị Tổng thống ân xá cho ông Lee.
Một cuộc thăm dò được thực hiện bởi Hankook Research vào tháng trước cho thấy 64% số người được hỏi ủng hộ việc ân xá. Áp lực này dường như đã khiến ông Moon Jae-in thay đổi thái độ đáng kể trong thời gian gần đây. “Nhiều người trong công chúng đồng cảm với việc ân xá cho Lee. Tôi sẽ nghiêm túc lắng nghe ý kiến của mọi người và đưa ra quyết định", ông Moon Jae-in nói trong cuộc họp báo hồi tháng trước.