Theo Android Authority, Sony đang ấp ủ ra mắt một biện pháp chống vi phạm bản quyền trên Android TV.
Cụ thể, nhà sản xuất Nhật Bản cho biết, hiện có không ít người dùng đã và đang cài ứng dụng chưa được kiểm duyệt lên các thiết bị của nhà sản xuất, trong đó, có không ít ứng dụng xem phim “lậu”.
Nó được gọi với thuật ngữ "sideloading", khi người dùng tìm cách “lách” để cài đặt các ứng dụng bị cấm hoặc không được duyệt để xuất hiện trên Google Play Store. Việc sideloading các ứng dụng “lậu” này có thể cho phép người dùng xem miễn phí các nội dung vi phạm bản quyền trên TV của mình.
"Trong những tình huống như vậy, các ứng dụng vi phạm bản quyền có thể cung cấp trái phép các nội dung trả tiền cho thiết bị phát trực tuyến, vô hình trung ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà cung cấp nội dung hợp pháp", Sony viết trong bằng sáng chế.
Theo trang tin công nghệ AndroidAuthority, nhằm ngăn chặn sideloading, Sony đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho ứng dụng có khả năng giám sát thiết bị phát mới được trang bị cho TV Android.
Bằng sáng chế được đề xuất có tiêu đề "Kiểm soát chống vi phạm bản quyền dựa trên chức năng lập danh sách đen", mô tả công nghệ cấm các ứng dụng của bên thứ ba cho phép người dùng truy cập nội dung vi phạm bản quyền.
Ứng dụng ngăn chặn vi phạm bản quyền của Sony sẽ được tích hợp và hoạt động như một phần của hệ điều hành nhằm ngăn chặn các hành vi phạm pháp. Theo công ty, ứng dụng giám sát sẽ được cấp quyền ở mức hệ thống để kiểm tra các đoạn code và các tập lệnh thực thi của ứng dụng của bên thứ ba được cài đặt trên thiết bị điện tử.
Hoạt động giám sát và phát hiện vi phạm sẽ được đào tạo dựa trên cơ sở dữ liệu là danh sách URL và địa chỉ IP vi phạm bản quyền thống kê được lâu nay.
Khi một ứng dụng của một bên thứ ba truy cập URL danh sách nói trên, ứng dụng giám sát sẽ lập tức xác định và phát hiện. Bên cạnh việc chặn không cho ứng dụng của bên thứ ba khởi chạy, biện pháp chống vi phạm bản quyền của Sony thậm chí còn cung cấp nội dung có chất lượng hình ảnh thấp hoặc liên tục làm gián đoạn nội dung nhằm gây khó chịu cho người xem nội dung “lậu”.
Tuy nhiên, biện pháp trên của Sony mới chỉ dừng ở bước xin cấp bằng sáng chế. Điều này có nghĩa, tính năng chống vi phạm bản quyền này chưa chắc sẽ sớm được triển khai trên các thiết bị thương mại của Sony.
Tuy nhiên, nó vẫn đặt ra nhiều câu hỏi. Đầu tiên, là liệu ứng dụng chạy ngầm này có thể ngốn tài nguyên hệ thống hay không, dẫn đến trải nghiệm không ổn định trên Android TV. Bởi trên thực tế, điều này cũng đã có tiền lệ, khi các công cụ chống vi phạm bản quyền trên PC như Denuvo có thể làm giảm hiệu năng các tựa game tích hợp các công cụ này.