Dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành liên quan, Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 gắn với triển khai Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã diễn ra tại Hà Nội ngày 14/6.
Theo Ban tổ chức, Diễn đàn cấp cao thường niên 2023 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời là hoạt động thiết thực nhằm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, Nghị quyết 29 được ban hành ngày 17/11/2022 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đời sống của nhân dân được nâng cao.
Diễn đàn có chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", là nơi các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương báo cáo, trao đổi, thảo luận, đề xuất, kiến nghị những cơ chế, chính sách để việc triển khai thực hiện các Nghị quyết thực sự có hiệu quả, đi vào cuộc sống; tạo kênh kết nối giữa các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội với các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia trong nước và quốc tế trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Diễn đàn bao gồm một phiên toàn thể do Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì, tổ chức vào chiều ngày 14/6; chuỗi 4 hội thảo chuyên đề do lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì tổ chức vào sáng ngày 14/6.
Tại phiên toàn thể tập trung vào 4 báo cáo chính gồm Dự thảo những nội dung chủ yếu của Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Thúc đẩy chuyển đổi số trở thành phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam; Chuyển đổi xanh và bản sao số ở châu Âu và Việt Nam: hàm ý chính sách cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam; Tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo: Những thách thức chính và giải pháp.
Ngoài ra, trong khuôn khổ của Diễn đàn còn có thêm 2 hội thảo, hội nghị bên lề liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng gồm: Hội thảo "Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế" ngày 16/5/2021; Hội nghị cấp cao "Dịch vụ tài chính và điện toán đám mây".
Diễn đàn với các sự kiện bên lề có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, đã được sự quan tâm đông đảo của khoảng 2.000 lượt đại biểu tham dự, trong đó có rất nhiều đại biểu quốc tế và đại biểu của các doanh nghiệp, đây là những thành phần ít có cơ hội để tiếp cận trực tếp với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Trên cơ sở kết quả Diễn đàn Công nghiệp 4.0 lần này, Ban Kinh tế Trung ương sẽ ghi nhận, tiếp thu tối đa tất cả các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý cũng như nghiên cứu đầy đủ các tài liệu, các tham luận, báo cáo chuyên đề liên quan để tổng hợp, chắt lọc để phục vụ công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát triển khai thực Nghị quyết số 29-NQ/TW, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.