Ở Việt Nam, sự phục hồi và cải cách kinh tế hiện nay đi đôi với cải cách chính sách, thể chế. Việc cải cách chính sách phụ thuộc vào nghiên cứu của các nhà quản lý từ các Vụ, Viện của Bộ với tư cách cố vấn để trình lãnh đạo cấp cao hơn. Những báo cáo mang tính tham mưu đó thực sự quan trọng bới nó ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội của cả quốc gia, dân tộc. Nhưng nó có đem lại hiệu quả tốt hay không? lại phụ thuộc vào năng lực, trình độ của một số nhà nghiên cứu.
Vừa qua, trong bổn phận của mình, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tổ chức Hội thảo với tiêu đề: “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam”. Tiêu đề này đã gây ra những thắc mắc, những câu hỏi được đặt ra từ phía khách tham dự như: Sau đại dịch covid -19 là thời gian nào? trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, khi chưa một quốc gia nào có thể nói chính xác thời gian kết thúc đại dịch này? Tiêu đề của hội thảo lại mâu thuẫn với chính mục tiêu kép của chính phủ, nghĩa là vừa chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế chứ không thể chờ đến hết dịch mới tiến hành cải cách.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh phát biểu: “Trong báo cáo của Viện CIEM cũng chưa cho biết khi nào là sau đại dịch Covid -19?”.
Điểm tin trong nước và quốc tế ngày cho thấy, đại dịch Covid -19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Ngày hôm qua, Lào chính thức phong tỏa thủ đô Vientiane; Ấn Độ phát hiện các biến thể virus mới; hôm nay, tại Việt Nam, tỉnh Kiên Giang tiến hành khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến trước nguy cơ bùng phát Covid – 19. Như vậy, chưa thể nghĩ thời kỳ “hậu Covid -19” sắp đến được!
Trên thế giới, đã có những nhà nghiên cứu cho rằng cần 4-5 năm nữa mới có thể chấm dứt đại dịch Covid -19. Nhưng tất cả chỉ là dự đoán, thực tế là chưa ai có thể khẳng định được điều này.
“Tỷ lệ tái nhiễm bệnh trên thế giới sau khi tiêm vaccine vẫn rất cao”, Ts. Lê Đăng Doanh nói: “Theo thống kê, ở Mỹ đến nay đã có 5800 người tái nhiễm sau khi được tiêm 2 liều vaccine, tuy rằng mức độ nhẹ hơn”.
Ông Lê Đăng Doanh khuyến nghị với Viện CIEM, nên xem xét đây là cuộc chiến đấu lâu dài, “xử lý các vấn đề đại dịch không nên suy nghĩ chỉ có sau Covid – 19 mà phải hiểu chính vì để ứng phó với đại dịch chúng ta cần đẩy mạnh cải cách ngay”.
Vấn đề thứ 2 tiến sỹ Lê Đăng Doanh muốn đề cập cho các nhà nghiên cứu chính sách của Viện CIEM là cần có một quan điểm và góc nhìn tổng thể, bao quát hơn khi làm báo cáo kinh tế. Nếu những nghiên cứu chỉ diễn ra theo một góc nhìn hẹp, phiến diện, rất khó đem lại hiệu quả khi áp dụng vào đời sống kinh tế xã hội.
“Nhiều vấn đề như: biến đổi khí hậu, khô hạn ở Nam Trung Bộ, nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, chặn nguồn nước của sông Mekong, ô nhiễm môi trường... Việt Nam cần phải đối mặt. Không nên xem Covid – 19 là vấn đề duy nhất của Việt Nam trong sự phục hồi và phát triển kinh tế”, ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, Báo cáo cũng nên bổ sung những thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch và nỗ lực hội nhập quốc tế; nên cho thêm văn kiện của Đại hội 13 thay vì chỉ có văn kiện đại hội 12; nên bổ sung thêm những thông tin mới nhất của ngân hàng thế giới, hoặc của quỹ tiền tệ quốc tế.
“Những bổ sung đánh giá về Trung Quốc cũng rất cần thiết”. Theo ông Doanh, đây là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới vẫn đạt tăng trưởng dương 2,3 % năm Covid 2020. Tỷ lệ tăng trưởng khá cao. “Và những đối phó của Tập Cận Bình với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cách họ tập trung vào phát triển kinh tế nội địa”.
“Chúng ta đã ký kết hiệp định CPTPP, liên minh châu Âu... Tất cả những yếu tố đó đã làm cho Việt Nam mở rộng được thị trường và thúc đẩy được xuất khẩu. Ngành dệt may, chúng ta đã có thêm nhiều nguồn nhập khẩu khác như Banglades, Ấn Độ, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc”.
“Về hội nhập và tỷ giá, cần lưu ý Mỹ đã có cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Qua nỗ lực trao đổi và chứng minh từ phía Việt Nam ngày 16/4/2021, Mỹ đã rút Việt Nam khỏi cáo buộc đó. Đây là thành tựu đáng được chúng ta ghi nhận. Hội nhập nhưng luôn tự bảo vệ mình và chứng minh được mình đã có cải cách thể chế rất nghiêm túc”, Ts. Lê Đăng Doanh bày tỏ.
Theo Ts. Lê Đăng Doanh, Báo cáo của Viện CIEM còn thiếu các sáng kiến của những địa phương đạt thành tích nổi bật như: Hải Phòng, trong thời gian khá dài luôn tăng trưởng trên mức 15% – 16%. Đồng Tháp cũng có nhiều sự phát triển mạnh, còn Quảng Ninh liên tục đứng đầu 4 năm liền trong xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và cả PAPI.
“Không thể thiếu những đánh giá về sự phát triển, ưu nhược điểm trong xuất khẩu nông sản ở một nước có thế mạnh nông nghiệp như nước ta”, ông Doanh nói: “Chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc rất nhiều nông sản nhưng chưa được 1% qua đường chính ngạch. 99% là xuất qua đường tiểu ngạch nên giá cả rất thấp. Chuyển sang kinh tế số để kết nối các chuỗi giá trị và mở rộng thêm nhiều đối tác sẽ là một bước tiến nhảy vọt trong cải cách kinh tế”.
Kết thúc bài phát biểu, Ts. Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chiến lược 2021-2030 với những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mới. Cải cách thể chế nên tập trung mạnh vào những điểm nghẽn như Luật đất đai để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong đó; cải cách thể chế cần gắn liền với chính phủ điện tử và kinh tế số để tạo tính liên kết hệ thống, đảm bảo tính công khai minh bạch hơn. “Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng, cùng với sáng kiến của các địa phương là bộ máy lãnh đạo điều hành mới. Chúng ta cũng kỳ vọng vào sự phát triển năng động hơn trong thời gian tới”.
“Tôi mong ý kiến này sẽ được Ban soạn thảo viện CIEM bổ sung thêm cho các báo cáo sắp tới”, ông Doanh đề nghị.