Mục tiêu dự án nhằm nâng cao năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong lĩnh vực cơ khí, điện – điện từ, nhựa – cao su...
Sau 3 năm triển khai, dự án đã đóng góp đáng kể vào việc gia tăng năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam; kết nối doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng với người mua trên thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu; hỗ trợ và xây dựng các chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ... Nhờ đó, trong số hơn 200 doanh nghiệp tham gia dự án, đã có tới 98% doanh nghiệp gia tăng doanh số bán hàng và 36% doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.
Được biết, một trong những kết quả khá quan trọng của dự án là sự thông qua Nghị định 111/2015/ND-CP về phát triển CNHT và sau khi ra đời đã có gần 10 doanh nghiệp CNHT Việt Nam xin được ưu đãi, cũng như Hiệp hội CNHT Việt Nam đã được thành lập vào đầu năm 2017 với sự quyết tâm chung của cộng đồng doanh nghiệp CNHT Việt Nam.
Đặc biệt, nhờ có sự hỗ trợ của dự án, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã được ra đời vào tháng 3 năm 2017, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam. Dự án này đã tổ chức 30 khoá tập huấn và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và thương mại cho gần 1.500 lượt học viên; tổ chức 67 gian hàng cho các doanh nghiệp tại 8 hội chợ quốc tế ở Châu Âu...
Theo bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam rất đa dạng, nhưng ở thị trường quốc tế, Việt Nam đang cơ lợi thế ở các sản phẩm kết hợp giữa “máy móc và tay chân” như lắp ráp các bảng mạch điện tử với kết hợp với sự khéo léo, hay sản xuất các phụ kiện từ dây điện... Rất nhiều sản phẩm dạng này đã bán được ngay khi trưng bày tại các hội chợ quốc tế.
Song để làm được thì doanh nghiệp cũng phải có công nghệ, tổ chức sản xuất tốt để có giá cạnh tranh. Hiện so với Thái Lan, thì doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn quá ít ỏi, chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, trong khi Thái Lan là khoảng 2.000 doanh nghiệp.
Vì vậy, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi cho những đầu tư ban đầu, để tác động đến doanh nghiệp như vốn vay, công nghệ, đào tạo... , khuyến khích thương mại hàng hoá 2 chiều EU-VN. Cùng với đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ cũng cần tăng cường làm đầu mối thương mại về máy móc, thiết bị; nâng cao năng lực tư vấn và đào tạo năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp...
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thuý Hương - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, VEIA đã ký bản ghi nhớ với dự án để thiết lập cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp CNHT ngành điện tử được tham gia vào các hoạt động của dự án ngay từ những ngày đầu Dự án khởi động. Đánh giá kết quả thực hiện, bà cho biết, đã đưa được 9 doanh nghiệp CNHT ngành điện tử Việt Nam đi tham gia các hội chợ quốc tế ở Châu Âu và các doanh nghiệp ngành điện tử đã được tham gia huấn luyện, đào tạo nâng cao năng lực sản xuất, năng lực thương mại, hỗ trợ kết nối khách hàng,… Đến nay, dự án đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng sản phẩm cho Samsung, có doanh nghiệp đã là thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu của LG. Tuy nhiên, thời gian tới, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, có các gian hàng mang “màu cờ sắc áo” Việt Nam tại các hội chợ quốc tế. Sự hiện diện của Việt Nam ngoài việc tạo cơ hội thị trường thì còn chứng tỏ, Việt Nam có ngành công nghiệp hỗ trợ và đang phát triển rất tốt. Bên cạnh đó, cũng cần các hỗ trợ mềm trong đào tạo, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác làm ăn, trong đó vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là rất quan trọng giúp các doanh nghiệp nhỏ trong nước gắn kết chặt hơn.
Đánh giá kết quả của Dự án, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương nhận định: dự án đã được xây dựng tốt, tổ chức triển khai tốt và quản trị tốt. Đây là những ưu điểm chính để Dự án đạt được kết quả khả quan như hôm nay. Dự án đã xuất bản được 6000 cuốn Year Book và 1000 cuốn sổ tay về tiêu chuẩn ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Dự án Công nghiệp hỗ trợ phải trả lại gần 25% vốn được tài trợ. Dự án CNHT Việt Nam có tổng vốn đầu tư là 412,839 Euro, trong đó vốn Liên minh châu Âu (EU) tài trợ là 371,473 Euro; vốn đối ứng của Chính phủ là 41,366 Euro. Đến thời điểm kết thúc Dự án (tháng 6/2017), tổng vốn thực hiện đạt 310,999 Euro, đạt 75,33% tổng vốn đầu tư Dự án.
Về nguyên nhân của việc giải ngân chậm trễ, đó là do Dự án có thời gian thực hiện ngắn, nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, năng lực về sản xuất của DN CNHT còn hạn chế, các ưu đãi về nguồn lực ban đầu cho doanh nghiệp chưa được cải thiện...
Theo tin từ Trung tâm SIDEC, Bộ Công thương