Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc đã triệu tập đại diện các hãng công nghệ hàng đầu thế giới để thảo luận các vấn đề liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào tập đoàn điện tử công nghệ Huawei.
Mỹ đã ban hành lệnh cấm các công ty của nước này được cung cấp hay mua các sản phẩm, dịch vụ từ Huawei vì lí do an ninh quốc gia, điều mà hãng công nghệ Trung Quốc khẳng định là phi lý.
Cuộc họp được tổ chức vào hai ngày 4 và 5/6, có sự tham gia của Cơ quan lập kế hoạch kinh tế trung ương, Ủy ban Quốc gia về Phát triển và Cải cách, đại diện từ Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc. Tại đây, đại diện các đơn vị trên nhấn mạnh những công ty Mỹ hoặc có liên quan đến Mỹ có thể phải đối mặt với "hậu quả thảm khốc" nếu hợp tác với chính quyền Tổng thống Donald Trump, cấm bán công nghệ chủ chốt của Mỹ cho Trung Quốc.
Bên cạnh đó, một số quan chức cũng "bóng gió" rằng các công ty Mỹ nên có những vận động hành lang để thay đổi tình hình hiện tại. Riêng doanh nghiệp không thuộc Mỹ không phải chịu hậu quả nếu tiếp tục làm ăn bình thường với công ty Trung Quốc như hiện tại.
Chi tiết cuộc họp đã không được tiết lộ. Microsoft, Dell từ chối bình luận, Samsung chưa đưa ra câu trả lời.
Tháng trước, Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng sang mảng công nghệ. Tranh chấp thương mại lẫn lệnh cấm áp đặt lên Huawei khiến nhiều doanh nghiệp và chính phủ trên thế giới bất ngờ hoặc đứng trước thế khó. Lệnh cấm của Mỹ là đòn giáng mạnh vào trọng tâm trong tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Việc đưa Huawei vào danh sách đen đồng nghĩa với chuyện cấm các công ty của Mỹ cung cấp các hàng hóa và dịch vụ cho tập đoàn sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, vì mối quan ngại về an ninh quốc gia của Washington.
Huawei đã bác bỏ cáo buộc nói rằng thiết bị của hãng gây ra mối đe dọa về an ninh.
Ngay sau đó, theo Reuters, Bắc Kinh thông báo rằng Trung Quốc sẽ công bố danh sách của nước này về các công ty nước ngoài “thiếu tin cậy”. Trung Quốc cũng ám chỉ sẽ giới hạn việc cung cấp đất hiếm cho Mỹ.
Một nguồn tin tại tập đoàn phần mềm Microsoft của Mỹ nói rằng việc trao đổi với quan chức Trung Quốc không phải là một cảnh báo trực tiếp, nhưng họ đã được nói rõ rằng việc tuân thủ với lệnh cấm của Mỹ nhiều khả năng sẽ dẫn tới sự phức tạp thêm nữa đối với tất cả mọi bên.
Theo Reuters, Microsoft cũng được yêu cầu không có các bước đi vội vàng và thiếu cân nhắc trước khi hiểu rõ tình hình. Nguồn tin cũng nói rằng giọng điệu của phía Trung Quốc mang tính hòa giải.
Theo báo Mỹ, giờ đây dường như cả hai siêu cường kinh tế thế giới đều đang tính cách mới để đặt mục tiêu vào nước còn lại. Tranh chấp thương mại, công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về tác động lên kinh tế toàn cầu và cảnh đóng băng công nghệ, tài nguyên của các nước.
Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định: “Sự việc giờ đây cực kỳ nhạy cảm vì chính quyền của ông Trump, thông qua nhiều chiến thuật, đang làm mất ổn định mối qua hệ thương mại và nhiều khía cạnh khác”.
Paul Triolo, người đứng đầu lĩnh vực công nghệ tại hãng tư vấn Eurasia Group, cho biết: “Bắc Kinh cho rằng chính phủ Mỹ có ý định kiềm hãm sự phát triển công nghệ của Trung Quốc và nếu hành động của họ không bị ngăn cản hoặc làm chậm lại, tương lai nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đứng trước rủi ro”.
Ngoài ra, cuộc họp cũng nhắc đến vấn đề chuỗi cung ứng. Sản xuất, lắp ráp đa dạng nhiều linh kiện điện tử giúp Trung Quốc trở thành nền tảng cho hoạt động kinh doanh của nhiều công ty đa quốc gia. Khi Mỹ và Trung Quốc căng thẳng thương mại, nhiều người lo rằng doanh nghiệp sẽ tìm cách chuyển sản xuất đi nơi khác để tránh rủi ro dài hạn. Trong cuộc họp tuần này, giới chức Trung Quốc cảnh báo rõ rằng động thái đưa sản xuất khỏi Trung Quốc một cách quá mức sẽ dẫn đến hình phạt.